Mùa hè chính là thời điểm lý tưởng để “tung hoành” cùng sóng biển. Tuy nhiên, để chuyến du lịch trọn vẹn, bạn cần bỏ túi một số bí kíp sau...
Ảnh minh hoạ
Tham khảo tour
Dù đi du lịch ở đâu, cũng cần lên kế hoạch cho chuyến đi một cách cụ thể. Muốn có những tour rẻ, đầu tiên phải tham khảo các chương trình khuyến mãi của các hãng du lịch có uy tín. Khi chọn tour nên so sánh giá tour cùng một địa điểm để có mức giá hợp lý nhất. Một điều cần lưu ý nữa là khi chọn tour cũng cần đặt phòng trước. Việc đặt phòng trước sẽ giúp tiết kiệm chi phí đồng thời đỡ mất thời gian đến nơi phải đi tìm phòng, đôi khi lại không có phòng như ý muốn.
Đừng hành hạ bản thân !
Nếu chọn phương tiện xe hơi để đi du lịch, cần tránh tình trạng đẩy bản thân và chiếc xe tới giới hạn của sự chịu đựng, để không rơi vào trường hợp quá mệt mỏi trên đường và gây tai nạn. Hãy xác định khoảng thời gian có thể lái xe trong trạng thái tỉnh táo và an toàn, hãy dừng lại nghỉ ngơi khi đã mệ̣t. Nếu cần thiết, có thể nghỉ thêm một đêm nữa tại khách sạn để cơ thể có thời gian lấy lại sức.
Chuẩn bị đồ dùng cá nhân
Đi biển, tất nhiên phải “thủ” kem chống nắng. Tiếp đến là mũ rộng vành, kính mát, kính bơi, đồ bơi, giày xăng đan. Đi chơi biển không nên mang giày thể thao hay giày da vì cát biển dính vào sẽ rất khó chịu. Lưu ý bôi kem chống nắng khoảng 15 phút trước khi ra khỏi phòng để kem có thời gian bám dính lên da giúp chống nắng hiệu quả hơn. Nếu chơi ở biển trong thời gian dài, cách 2 - 3 tiếng bôi lại kem chống nắng một lần.
Trong khách sạn hay resort luôn có sẵn đồ cá nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh, nên mang theo đồ của mình (bao gồm; bàn chải, kem đánh răng, lược, khăn mặt, dầu gội, dầu xả, sữa tắm, sữa rửa mặt, nên mang theo những chai hoặc gói nhỏ gọn).
Lưu ý thuốc men
Không ai dám chắc là mình không gặp phải sự cố về sức khỏe trong suốt quá trình du lịch, nhất là khi có trẻ em đi cùng. Do đó để đảm bảo sức khỏe, cần mang theo một số loại thuốc và nhớ phải để chúng ở nơi dễ lấy trong hành lý. Đầu tiên là thuốc chống say sóng để phòng trường hợp di chuyển ra thăm một số đảo gần bờ. Bên cạnh đó là một số đồ y tế đơn giản như bông băng, gạc, dầu gió và các loại thuốc đơn giản như đau đầu, cảm cúm, đau bụng, thuốc bôi vết côn trùng cắn, thuốc nhỏ mắt, bông ngoáy tai. Cần thiết nên mang thêm vitamin C, bởi mùa hè nóng nực rất dễ mất nước, gây mệt mỏi. Một chút vitamin C bổ sung sẽ giúp có thêm nhiều năng lượng để tha hồ tung tăng cùng sóng nước.
Thực phẩm
Khi đi du lịch có kèm theo trẻ em, nên mang theo đồ ăn nhẹ như: bánh ngọt, nước trái cây, mì tôm (đề phòng khi bị đói bụng). Với trẻ em, sữa là thực phẩm không thể thiếu. Với bé lớn thì có thể mang sữa tươi. Ngoài ra, thức ăn nhanh như: bim bim, xúc xích... là những thứ mà trẻ rất ưa thích cũng nên mang theo.
Ảnh: Shutterstock
Khi xuống biển tắm
Khi đi tắm biển, tuyệt đối không đi một mình và ra quá xa. Nên đi cùng 2 - 3 người để có thể hỗ trợ nhau khi gặp sự cố. Không xuống nước khi nhiệt độ dưới 18 độ C, khi xuống nước phải xuống từ từ để cơ thể không bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Không nên bơi quá xa, chỉ bơi trong khoảng cách từ 15 m trở lại, và nên chú ý các biển cảnh báo ở biển để đảm bảo an toàn. Ngay khi gặp các triệu chứng như mệt mỏi, chuột rút, rối loạn thị giác, có cảm giác lạnh thì nên vào bờ ngay để đề phòng nguy hiểm. Để an toàn, trước khi xuống nước cần chạy một quãng ngắn, khởi động nhẹ nhàng để cơ thể nóng lên, tránh bị chuột rút.
Không nên tắm quá lâu khi trời nắng hoặc vào giữa buổi trưa. Đừng mang theo đồng hồ, đồ trang sức nhất là dây chuyền, đề phòng sóng làm tuột mất.
Khi mua hải sản
Trong trường hợp đi du lịch bằng ô tô và khoảng cách địa lý không quá xa, nếu muốn mua hải sản mang về, cần chuẩn bị sẵn một thùng xốp để phía sau xe. Sau khi chọn hải sản xong, lót một lớp đá dưới đáy thùng, sau đó cho hải sản vào rồi cho thêm một lớp đá lên trên bề mặt để hải sản tươi mà không có mùi khi về nhà.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét