Sau chuỗi ngày dài giảm giá, phiên bật tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản ngày 26/6, cùng với tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí đang được thị trường kỳ vọng đã qua vùng đáy.
5 trong 6 giàn khoan của PVD đã có việc làm trong quý II
Nhà đầu tư có xu hướng bắt đáy PVD
Phiên giao dịch ngày 26/6/2017, bất chấp khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, cổ phiếu PVD đã tăng trần từ mức 13.100 đồng/CP lên 14.000 đồng/CP, thanh khoản cũng tăng vọt với 5.612.600 cổ phiếu được khớp lệnh (gấp 3,9 lần phiên 23/6).
Nếu so với mức khớp trung bình phiên của 1 tháng liền trước là 2.361.470 cổ phiếu/phiên và 1.741.957 cổ phiếu/phiên của 1 năm qua, thì thanh khoản phiên 26/6 cho thấy, thị trường đã kỳ vọng nhiều vào việc PVD đã qua chu kỳ giảm.
Trước đó, trong 3 phiên giao dịch liên tiếp từ 28/4 đến 4/5, cổ phiếu PVD đã liên tục tăng thanh khoản, với lượng khớp lệnh lên tới 8.337.300 cổ phiếu phiên 4/5, khi giá PVD giảm về mức 15.400 đồng. Liệu nhà đầu tư có nhầm lẫn?
Tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh
Quý I/2017, công suất hoạt động trung bình các giàn khoan do PVD sở hữu là 1,4 giàn, giảm so 2 giàn với cùng kỳ 2016. Không những vậy, giá cho thuê cũng giảm từ 55-60%. Khối lượng và giá dịch vụ liên quan khác cũng giảm khoảng 50%, chưa kể khách hàng chậm thanh toán khiến PVD phải trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn khoảng 97 tỷ đồng.
Tất cả những yếu tố trên tạo nên một bức tranh xấu chưa từng có trong lịch sử hoạt động của PVD: lỗ hợp nhất 200,9 tỷ đồng trong quý I/2017. Tuy nhiên, từ quý II/2017, tình hình kinh doanh của PVD đã tích cực hơn.
Ngày 23/6/2017, PVD ký hợp đồng cho thuê giàn khoan PV Drilling VI với Rosneft, tổng giá trị 42 triệu USD trong 3 tháng. Đây không phải là hợp đồng quá lớn nếu so với thời điểm trước đây, khi giá cho thuê giàn khoan lên tới hơn 200.000 USD/ngày, nhưng trong bối cảnh vẫn còn giàn khoan đang còn nằm chờ hoạt động, đây quả là tín hiệu đáng mừng cho PVD.
Thông tin từ PVD cho thấy, 5 trong tổng số 6 giàn khoan đã có việc làm trong quý II. Cùng với đó, đơn giá dịch vụ cung ứng nhân lực, kỹ thuật giếng khoan cũng bắt đầu được cải thiện dự báo sẽ giúp PVD bớt khó khăn.
Lỗ có thể chưa qua, nhưng định giá pvd đang hấp dẫn?
Thực tế cho thấy, quý I/2017 là đỉnh điểm khó khăn với PVD. Giả thiết rằng, nếu PVD có thể quản trị các khoản phải thu, không để phát sinh nợ phải thu quá hạn, dẫn đến phải trích lập dự phòng. Trong bối cảnh giá dầu thô vẫn chưa thực sự tăng trở lại, nguy cơ phát sinh nợ xấu mới là hoàn toàn có thể xảy ra, dù PVD cho biết, 2 nhiệm vụ trọng tâm khác ngoài việc tăng việc làm cho các giàn khoan là thu hồi nợ và giảm chi phí.
“Ưu tiên của PVD trong quý II cũng như các quý còn lại trong năm 2017 là đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ quá hạn nhằm hạn chế việc trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn, đồng thời hoàn nhập được các khoản dự phòng nợ quá hạn đã trích trong năm 2016, qua đó cải thiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh”, đại diện PVD cho biết.
Có một điểm đáng lưu ý là từ 1/1/2016, PVD thay đổi chính sách khấu hao các giàn khoan từ khấu hao đường thẳng sang khấu hao theo giờ sử dụng. Chính sách này trong năm 2016 đã giúp PVD giảm mạnh chi phí khấu hao, từ 53,646 triệu USD năm 2015 về 20,668 triệu USD năm 2016.
Điều này được hiểu là, nếu giàn khoan không hoạt động, PVD sẽ không tính khấu hao. Khi giàn khoan hoạt động trở lại, PVD sẽ tính doanh thu và khấu hao cho giàn khoan đó theo giờ hoạt động thực. Với giá cho thuê vẫn ở mức thấp như hiện nay, trong quý II, PVD nhiều khả năng sẽ phải hạch toán lỗ nhiều hơn so với quý I, khi có ít giàn khoan hoạt động hơn.
Vậy đâu là “điểm cộng” của PVD trong tương lai? Câu trả lời là định giá thị trường đã quá thấp so với tài sản mà PVD đang sở hữu. Tính đến 31/3/2017, vốn chủ sở hữu của PVD đạt 13.246 tỷ đồng trên vốn điều lệ 3.823,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản cố định hữu hình là 15.039 tỷ đồng. Giả định hoạt động dịch vụ giàn khoan khó khăn dẫn tới giá trị máy móc sụt giảm chỉ còn 1/3, PVD sẽ bị giảm tương ứng 7.500 tỷ đồng giá trị tài sản.
Nếu hoạt động kinh doanh của PVD tiếp tục lỗ trong 2 năm liên tiếp, tương đương tổng mức lỗ khoảng 1.600 tỷ đồng cho giai đoạn 2017-2018, thì vốn chủ sở hữu trong kịch bản xấu nhất sẽ rơi về mức trên 4.300 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu PVD khoảng 11.350 đồng. Nhưng nếu ngành khai thác dầu khí được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong những năm tới, thì với 4.300 tỷ đồng, chắc chắn không thể tạo ra được một PVD như hiện tại.
Vì thế, dù không hy vọng có lãi từ hoạt động chính trong ngắn hạn, nhưng với những gì đang diễn ra, nhà đầu tư có thể yên tâm về một bức tranh sáng sủa hơn của PVD trong dài hạn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét