Ở các nước như Hàn Quốc, Thái Lan..., tăng trưởng của thị trường chứng khoán phái sinh luôn cao, lên tới 70-80%, hay thậm chí vượt 100% trong nhiều năm.
ảnh minh họa
Sau đôi lần trì hoãn, dự kiến tháng 7 này, Việt Nam sẽ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh. Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung Tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), kỳ vọng, đây là loại hình phục vụ được nhiều nhu cầu, vừa có công cụ phòng vệ rủi ro vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh đầu cơ, cũng giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục...
Sức hút của chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh là sản phẩm tài chính mà giá trị phụ thuộc vào diễn biến giá của một tài sản tài chính cơ sở hoặc một yếu tố gốc tài chính. Đó có thể là hàng hóa (vàng, bạc, kim loại, dầu lửa, khí đốt, ngũ cốc...), hoặc công cụ tài chính (chỉ số chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, tín dụng, tỉ giá...). Có 3 nhóm loại hình phái sinh chính gồm hợp đồng tương lai/hợp đồng kỳ hạn (future/forward), hợp đồng quyền chọn (option), trong đó có quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option), và hợp đồng hoán đổi (swap). Một số ví dụ của các sản phẩm phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 Index, hợp đồng kỳ hạn tỉ giá VND/USD, chứng quyền chọn mua VNM, hay hợp đồng hoán đổi lãi suất thả nổi và cố định.
Trước mắt, sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được Việt Nam triển khai là hợp đồng tương lai, với tài sản cơ sở là VN30 Index. Theo lộ trình sang năm 2018, Việt Nam mới tiến hành giao dịch phái sinh quyền chọn, cụ thể là sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrants). Như vậy, so với kế hoạch ban đầu là triển khai hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu cùng với trái phiếu chính phủ, bước vận hành chứng khoán phái sinh tại Việt Nam có sự dè dặt hơn.
Về khâu cung cấp dịch vụ, sẽ chỉ có 8 công ty chứng khoán nội địa tham gia cuộc chơi này, như Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán Quân Đội (MBS), Chứng khoán VNDirect, Chứng khoán BIDV (BSC), Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) và Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Đối với nhà đầu tư, theo ông Trần Việt Hưng, chuyên gia tư vấn phái sinh cao cấp, trước cơ hội từ i) việc tận dụng đòn bẩy rất hấp dẫn (chỉ cần bỏ ra số tiền ký quỹ bằng 10-12,5% giá trị hợp đồng tương đương với đòn bẩy 8-10 lần) ii) có thể mua đi bán lại ngay lập tức trong ngày với tần suất giao dịch liên tục iii) cả khi thị trường xuống giá và chỉ số VN30 xê dịch chút đỉnh (1-2%) cũng kiếm lời tương đối (8%-20%)... thì thị trường phái sinh dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều đối tượng nhà đầu tư cá nhân mới. Cụ thể là tầng lớp sinh viên tài chính, người mới đi làm, người ít tài sản tích lũy... lâu nay đứng ngoài cuộc chơi chứng khoán.
Giai đoạn đầu, nhà đầu tư cá nhân sẽ càng có thêm động lực tham gia thị trường chứng khoán phái sinh khi Nhà nước dự kiến khuyến khích người chơi bằng chi phí giao dịch thấp cũng như xem xét miễn giảm thuế thu nhập cá nhân 0,1% với giao dịch chứng khoán phái sinh. Còn những người có tiền, nhà đầu tư tổ chức nhiều khả năng chưa vội tham gia mà sẽ nghe ngóng, quan sát quy mô và xu hướng của thị trường. Chỉ khi thanh khoản thị trường đủ hấp dẫn, họ mới nhảy vào cuộc chơi.
Theo ông Hưng, đây là diễn biến thường thấy ở những thị trường mới vận hành chứng khoán phái sinh khi quy mô của thị trường chứng khoán cơ sở chưa vào giai đoạn bùng nổ. Tuy nhiên, ở các nước như Hàn Quốc, Thái Lan..., tăng trưởng của thị trường chứng khoán phái sinh luôn cao, lên tới 70-80%, hay thậm chí vượt 100% trong nhiều năm. Như quan sát của ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán HSC, thị trường phái sinh Thái Lan đã tăng đột biến sau 10 năm, với quy mô thị trường hiện mức 10 tỉ USD/ngày và số lượng hợp đồng đạt gần 300.000 hợp đồng/ngày, từ khoảng 1.200 hợp đồng của những ngày đầu thành lập.
Ở Việt Nam, với sự kết hợp của các nhà đầu tư cá nhân ưa đòn bẩy tài chính và các nhà đầu tư tổ chức muốn phòng vệ rủi ro, thì chứng khoán phái sinh là lựa chọn thích hợp để hai bên gặp nhau. Ông Giang tin tưởng thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc, như từng xảy ra với Thái Lan.
Kiếm tiền từ chứng khoán phái sinh có dễ?
Buổi ban đầu, sản phẩm cho thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chỉ duy nhất là VN30 Index. Nhà đầu tư sẽ mua bán trên cơ sở biên độ giao dịch quanh chỉ số này do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định, hiện là +/- 5%.
Theo chia sẻ của ông Trần Việt Hưng, nếu là đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản và đầu tư có thời hạn dài nhất định (3-6 tháng), người tham gia chỉ cần tập trung đánh giá các yếu tố vĩ mô trong ngoài nước có khả năng tác động đến diễn biến VN30 Index như tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tình hình chính trị quốc tế, chỉ số lạm phát CPI, tỉ giá VND/USD, chính sách lãi suất ngân hàng, dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp... Ngoài ra, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ cần xem xét thêm các yếu tố vi mô liên quan tới VN30 Index như xu hướng hướng tăng giảm các ngành, đánh giá các cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn trong cấu thành rổ cổ phiếu VN30.
Đối với trường phái phân tích kỹ thuật, thị trường chứng khoán phái sinh tạo sân chơi mới hứa hẹn với giao dịch trong ngày và đòn bẩy lớn. Các nhà đầu tư này thường sẽ hành động dựa trên các tín hiệu đồ thị và đầu tư với khung thời gian ngắn hơn phân tích cơ bản (trong ngày - 1 tháng). Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư phải trau dồi thêm các kiến thức về phân tích kỹ thuật và thử ứng dụng trên dữ liệu quá khứ trước khi giao dịch thực tế. Tuy vậy, ngay cả với những ai chọn phân tích kỹ thuật cũng cần trau dồi về phân tích vĩ mô trong ngoài nước... để tránh rủi ro biến động mạnh của VN30 Index từ yếu tố cơ bản.
Tuy nhiên, dù là đầu tư theo trường phái nào thì cũng cần lưu ý đến những rủi ro song hành, nhất là rủi ro từ sử dụng đòn bẩy cao. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, lưu ý, đầu tư chứng khoán phái sinh có thể thu lời gấp 700% so với kinh doanh cổ phiếu nhưng đồng thời cũng mất 700% nếu dự đoán sai. Vì thế, ông Trần Việt Hưng cho rằng, nhà đầu tư nghiệp dư không nên sử dụng đòn bẩy ở mức tối đa, mà nên tự hạn chế chỉ sử dụng đòn bẩy với tỉ lệ 3-5 lần, từ đó điều chỉnh tăng khi cảm thấy tự tin hơn với thị trường.
Nhà đầu tư cũng cần chú ý đến yếu tố thanh khoản thị trường. Thị trường phải có người mua kẻ bán sôi động mới giảm chi phí thanh khoản và mới thu hút được nhiều dòng tiền đổ vào, giúp hiện thực hóa các cơ hội “đánh nhanh thắng nhanh” cho nhà đầu tư. Ngoài ra, yếu tố thao tác dễ dàng, mau chóng cũng rất quan trọng trong thành bại của nhà đầu tư. Những trục trặc về kỹ thuật và công nghệ khi giao dịch online có thể khiến quá trình mua bán chậm lại, lỡ mất cơ hội chốt lời/thời điểm thoát lỗ của nhà đầu tư.
Chọn ra cho mình một trường phái đầu tư phù hợp với tâm lý và khả năng đầu tư cũng rất quan trọng. Nếu nhà đầu tư lúng túng, không biết nên theo trường phái phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản hay kết hợp cả hai thế nào, họ có thể gặp rủi ro. Ông Trần Việt Hưng nhận định, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường sẽ mất một khoảng thời gian để biết bản thân hợp với trường phái nào.
Quan trọng hơn, để kiếm tiền từ chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải cần được đào tạo nâng cao khả năng nhận biết về các tín hiệu và dấu hiệu để chốt lời/cắt lỗ (đối với phân tích kỹ thuật), cần học cách nắm bắt sàng lọc thông tin cũng như đánh giá phân tích (đối với phân tích cơ bản) ... Thêm vào đó, với người theo trường phái đầu tư kỹ thuật, nhà đầu tư phải có khả năng chịu đựng được căng thẳng do tần suất giao dịch của dạng đầu tư này rất cao, đòi hỏi phản ứng bình tĩnh, nhanh nhạy và tránh mắc lỗi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét