Theo PGS Văn Như Cương, việc giữ bí mật đề và đáp án thi THPT quốc gia 2017 không hướng đến một kỳ tuyển sinh công bằng, minh bạch.
ảnh minh họa
Khó hiểu trước quyết định ’lạ’
- Thưa PGS Văn Như Cương, ông nhận định thế nào về việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi và đáp án trong kỳ tuyển sinh 2017?
- Tôi rất khó hiểu trước quyết định “lạ” của Bộ GD&ĐT. Đề thi dành cho gần một triệu thí sinh tham gia thì đâu còn là bí mật nữa mà không công bố.
Bộ GD&ĐT giữ bí mật cả đáp án mới là điều khiến tôi ngạc nhiên. Chúng ta chưa bao giờ có quy định này.
Ở một số quốc gia khác, họ có thể bí mật đề thi và đáp án khi thi tuyển xin việc với số người tham gia ít. Còn một kỳ thi phổ thông dành cho cả triệu thí sinh, ảnh hưởng toàn xã hội, việc bí mật là vô lý. Trong khi đó, chúng ta đều đang hướng đến một kỳ thi công bằng và minh bạch.
Thực tế cho thấy, dù là kỳ thi nào, việc sai sót trong chấm thi của giáo viên và của máy chấm trắc nghiệm đều có thể xảy ra. Nếu không có đáp án để đối chiếu, thí sinh không biết mình sai ở đâu để rút kinh nghiệm.
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, việc không công bố đề thi các môn trắc nghiệm nhằm giữ bí mật câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo. Bộ GD&ĐT sợ bị… lộ đề.
Tôi thấy rất lạ, bởi người ra đề thi cho năm sau phải có nhiệm vụ tham khảo đề thi năm trước để tránh những câu hỏi trùng lặp. Phần trả lời của Bộ GD&ĐT chỉ là biện hộ.
- Theo ông, việc giữ bí mật đề thi và đáp án sẽ ảnh hưởng thế nào tới thí sinh?
- Nếu không công bố đáp án, nhiều người sẽ không tin tưởng và phúc khảo bài thi. Số bài phúc khảo có thể tăng lên nhiều lần, gây phức tạp sau thi tuyển.
Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng việc học sinh và giáo viên hoàn toàn mù mờ về cách dạy và học. Bộ GD&ĐT lo sợ thí sinh sẽ phán đoán được độ bao phủ của đề thi mà học tủ, học lệch, gia tăng luyện thi. Nhưng, việc thí sinh biết được trọng tâm kiến thức để ôn luyện là quyền lợi của các em.
Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT nên xem lại và cải tiến quyết định này. Bộ GD&ĐT có thể chia nhỏ ngân hàng 60.000 câu hỏi để sử dụng trong nhiều năm. Thí sinh trong cùng một phòng làm mã đề khác nhau, trong đó câu hỏi và đáp án đã được xáo trộn, là phương án tối ưu để chống lại gian lận thi cử.
Việc sử dụng hết 60.000 câu hỏi cho mỗi năm, mỗi học sinh làm một đề riêng biệt là điều không cần thiết.
Nếu vẫn thực hiện, Bộ GD&ĐT chỉ gây thêm khó khăn.
Nên có lộ trình đổi mới
- Ông có đề xuất gì về lộ trình đổi mới của ngành giáo dục?
- Học sinh nhiều năm qua thường được đưa ra làm “thí nghiệm". Hiện nay, các trường đều đã kết thúc học kỳ I, kỳ thi 2017 đang cận kề nhưng Bộ GD&ĐT vẫn liên tục có những thay đổi với các thông tin được đưa ra “nhỏ giọt”. Sự đổi mới, sửa chữa, thay đổi diễn ra "xoành xoạch" từng tháng của Bộ GD&ĐT là điều không nên.
Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT phải công bố lộ trình thi tuyển trước 3 năm. Khi học sinh bước vào lớp 10 sẽ biết được kỳ thi quan trọng nhất suốt 12 năm học sẽ diễn ra như thế nào.
Nếu khó khăn quá, Bộ GD&ĐT phải công bố thông tin một cách chính thống, đầy đủ, rộng rãi cho học sinh và toàn xã hội ngay từ đầu năm học mới.
- Đánh giá chung về phương án thi 2017, ông còn băn khoăn điều gì?
- Theo tôi, việc tất cả các môn (trừ Ngữ văn) thi theo hình thức trắc nghiệm là điều không nên.
Trắc nghiệm tiếng Anh chỉ kiểm tra được kỹ năng đọc và viết, còn kỹ năng nghe và nói hoàn toàn mù mờ. Trắc nghiệm môn Toán không đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Tôi lo lắng năm 2018, môn Ngữ văn cũng sẽ... trắc nghiệm.
- Năm 2015, trả lời báo chí, ông cho biết kỳ thi THPT quốc gia đã thất bại ngay từ khi bắt đầu. Sau hai năm, kỳ thi 2017 có thêm nhiều thay đổi mới, ông có "dự đoán" gì?
- Hai năm đổi mới thi cử vừa qua, mặc dù có nhiều phản biện xã hội đến từ học sinh, giáo viên, chuyên gia và báo chí, Bộ GD&ĐT luôn tổng kết là “thành công tốt đẹp”.
Tôi dự đoán năm nay, kết quả của kỳ thi cũng không khác lắm, chỉ là “tốt đẹp hơn” mà thôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét