Sáng mùng 4 tết (31-1), theo truyền thống hàng năm, lãnh đạo TP.HCM cùng các thế hệ những người đã từng chiến đấu ở vùng chiến khu An Phú Đông năm xưa lại tổ chức họp mặt tại Q.12.
Phát triển vùng chiến khu xưa xứng đáng với hi sinh của đồng bào
Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo TP các thời kỳ: Ông Lê Thanh Hải - nguyên bí thư Thành ủy, ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP, ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy… cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các thế hệ ở vùng chiến khu An Phú Đông.
Vùng chiến khu xưa nay thuộc địa bàn ba phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân của Q.12. TP.HCM. Cuối năm 1945, Hội nghị của Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định quyết định xây dựng căn cứ kháng chiến, lấy tên là Chiến khu An Phú Đông, một chiến khu nằm ngay cạnh trung tâm Sài Gòn, trở thành một trong những địa bàn đứng chân của các cơ quan tỉnh, thành, quận và các đơn vị quân chủ lực của ta.
Đây là vùng căn cứ lõm cho các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích hoạt động, là cửa ngõ cho lực lượng ta có thể liên lạc, phối hợp tác chiến với các vùng khác như chiến khu Đ, Củ Chi, Trung ương Cục…
Mỗi người dân, thôn ấp nơi đây đều là những chiến sĩ kiên cường, gan dạ. Cụm từ “Chiến khu An Phú Đông” đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, oanh liệt từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến ở ngoại vi Sài Gòn.
Suốt 30 năm kháng chiến, nơi đây trở thành vùng bắn phá của địch, nhân dân ở vùng chiến khu đã phải chịu đựng nhiều gian khổ, hi sinh, nhưng vẫn giữ vững tinh thần quyết tử để bảo vệ non sông Tổ quốc, bảo vệ chiến khu.
Trong năm qua, TP và Q.12 đặc biệt quan tâm đến vùng đất chiến khu xưa, đầu tư gia cố, thực hiện mới nhiều công tình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, đường giao thông, đê bao, chăm lo đời sống người dân ngày một tốt hơn.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đề nghị, với tinh thần quyết tâm cao nhất, lãnh đạo Quận 12 phải tập trung ưu tiên, quyết liệt hơn để triển khai các dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật, như đường Vườn Lài - cầu Vàm Thuật, đường song hành Hà Huy Giáp, đường liên phường Thới An - Thạnh Xuân 2, hoàn chỉnh hệ thống đê bao bờ hữu sông Sài Gòn…
“Về phía thành phố, bằng tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay, thay mặt lãnh đạo TP, tôi xin hứa sẽ cùng Ban thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan quan tâm nhiều hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn, đưa vùng đất chiến khu xưa phát triển mọi mặt, nâng cao đời sống nhân dân, để xứng đáng với sự hi sinh của đồng bào, chiến sĩ nơi này”, ông Tất Thành Cang nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét