Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Dân trí Với 37 năm kinh nghiệm đi biển, ngư dân Lê Văn Chiến (sinh 1966, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), được ví là “sói biển” trên ngư trường Hoàng Sa, là "cột mốc quốc giới" trên vùng biển chủ quyền Tổ quốc.

“Sói biển” ngư trường Hoàng Sa

Hơn 50 tuổi nhưng ngư dân Lê Văn Chiến đã có 37 năm đi biển, trong đó 30 năm làm thuyền trưởng.

Anh kể, do nhà nghèo nên anh nghỉ học sớm. Bỏ lớp, anh theo cha lên tàu ra khơi vùng vẫy. Hồi đó, gia đình anh chẳng thể mua nổi một con thuyền nên phải đi làm thuê cho họ. Thời gian đầu, công việc của anh là nấu ăn và làm việc vặt trên tàu. Dần dần quen sóng gió, anh mới chuyển qua khai thác.

Sau nhiều năm vật lộn với sóng dữ, 21 tuổi, cái tên thuyền trưởng Lê Văn Chiến được đánh dấu trên vùng biển Hoàng Sa khi anh chuyên đánh bắt ở vùng biển thiêng liêng này của Tổ quốc.

Trên ngư trường Hoàng Sa, thuyền trưởng Lê Văn Chiến được ví như là cột mốc quốc giới trên vùng biển chủ quyền Tổ quốc.
Trên ngư trường Hoàng Sa, thuyền trưởng Lê Văn Chiến được ví như là cột mốc quốc giới trên vùng biển chủ quyền Tổ quốc.

Năm 1996, anh Chiến mang hết vốn liếng dành dụm gom góp đóng chung con tàu với người bạn mà tổng trị giá lên tới 75 cây vàng. Năm 2006, người đàn ông này quyết định con bán tàu đó, dồn tiền đóng con tàu lưới vây “khủng” 500CV. Đến nay đã 11 năm, tàu ĐNa 90351 TS của ông vẫn vững chãi qua hàng loạt cơn bão.

Đi biển, anh hiểu tường tận từng con sóng, từng luồng cá và thuộc làu tên các hòn đảo. Bão tố trên biển và anh chẳng lạ gì nhau.

Khi gặp gió bão thổi mạnh, anh bẻ lái chạy xuôi theo chiều gió. Sau đó, anh cùng bạn tàu chuẩn bị 10 can nhựa lớn đựng dầu diesel. Gặp sóng lớn, anh ra lệnh dùng vật nhọn đâm thủng các can dầu ném xuống sau đuôi tàu.

“Dầu diesel loang ra sẽ cản lực gió ma sát với mặt nước, khi đó gió không thể tạo sóng được nữa và mình có thời cơ tăng tốc. Cứ thấy dầu hết loang thì lại ném tiếp 10 can nữa xuống, làm liên tục để chạy thoát bão nhưng điều kiện là lượng dầu dự trữ trên tàu phải đủ dùng”, anh Chiến nói.

Đây chính là cách để anh sống sót qua bão Chanchu (năm 2006) khi nhiều tàu cá khác gặp nạn. Lúc bấy giờ, ngoài phương án dùng dầu diesel, anh Chiến đồng thời cho đóng chặt các cửa hầm, cửa cabin ngăn nước tràn vào. Mỗi khi sóng ập xuống boong tàu thì mở hệ thống bơm tự động đẩy nước ra. “Cứ làm như vậy thì tàu sẽ chìm xuống gần ngang mặt nước rồi lại nổi lên, rất khó chìm hẳn”, anh khẳng định.

Với chiếc tàu “khủng” 500 CV, ngư trường Hoàng Sa luôn là điểm đến trong mỗi lần anh dong thuyền ra khơi. Thậm chí có lúc anh cho tàu ra đến 400 hải lý, phía Đông Hoàng Sa để đánh bắt, thu lợi mỗi năm đến 500 triệu đồng sau khi từ hết tổn phí và chi trả đầy đủ cho lao động trên tàu.

Bằng những chiến tích của mình, từ năm 2011, ông Chiến được bầu làm Ủy viên BCH Hội Nông dân quận Thanh Khê; Chi hội phó Chi hội Đánh bắt xa bờ quận Thanh Khê, đồng thời là Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Xuân Hà.

“Chỉ huy trưởng” cứu ngư dân trên biển

Bao nhiêu năm đi biển, anh Chiến đã cứu rất nhiều tàu bạn gặp nạn, anh là “điểm tựa” để những ngư dân khác yên tâm bám biển. Anh Chiến – cho biết, hễ thấy tàu bạn gặp nạn là phải cứu ngay dù có phải hủy cả chuyến đi biển được đầu tư mấy trăm triệu. Bởi cứu bạn hôm nay, ngày mai bạn sẽ cứu mình. Mưu sinh trên biển phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau thì mới bám trụ được.

Nhớ lại vụ tàu cá ĐNa 90151 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển năm 2014, anh kể: Thời điểm đó, chúng tôi liên tục bị xua đuổi ra xa giàn khoan. Khi ở cách giàn khoan 17 hải lý về phía Nam Tây Nam, một tàu Trung Quốc bất ngờ rượt đuổi tàu 90152 rồi một tàu khác tăng tốc đâm thẳng vào mạn trái khiến tàu vỡ vụn, tiếng la hét vang khắp biển”.

Anh Lê Văn Chiến trên chiếc tàu của mình
Anh Lê Văn Chiến trên chiếc tàu của mình

Bất chấp nguy hiểm, tàu anh cùng 8 tàu cá khác tiến lại bảo vệ tàu bị đâm, thả thúng chai xuống vớt ngư dân rơi xuống biển, đồng thời ném dây qua tàu 90152 để lai dắt. Cả chục tàu chấp pháp, tàu cá Trung Quốc vây quanh đoàn tàu cá của ta ở khoảng cách 1 hải lý rồi “hộ tống” vào cách Đà Nẵng dưới 110 hải lý mới buông tha.

Dấu ấn lớn nhất để anh Chiến được bạn tàu kính nể là lần anh trực tiếp chỉ huy công tác cứu nạn 17 ngư dân tàu câu mực bị nổ bình ga. 3h sáng một ngày giữa năm 2007, anh Chiến đang ngủ thì nghe tiếng kêu cứu từ ngư dân tàu khác. Nghe tin và nhìn về hướng Đông Nam, anh Chiến hoảng hốt thấy ngọn lử bốc lên dữ dội ở khoảng cách 12 hải lý. Không cần suy nghĩ nhiều, anh đánh thức bạn tàu rồi nổ máy, trực chỉ đám lửa.

“Đến gần hiện trường, tôi đứng trên boong tàu hét lớn cho các ngư dân thuộc tàu bị cháy đang bơi thúng chai tiếp cận gần nhất con tàu, rọi đèn pin khắp mặt nước tìm người rơi xuống biển. Tôi cũng trực tiếp bật sáng tất cả đèn điện trên tàu, tiếp thêm ánh sáng cho việc tìm kiếm và đề nghị anh em cùng xuống mặt nước hỗ trợ tàu bạn, không một ai từ chối”, anh Chiến nói và cho biết, mọi người vớt được 16 người, trong đó có một người bỏng nặng, một người khác gãy chân rất nguy kịch. Vừa tổ chức sơ cứu, anh Chiến vừa hướng dẫn tìm nốt người còn lại đang mất tích nhưng càng lúc càng vô vọng.

Đối diện với tình cảnh đó, vị thuyền trưởng quyết định chuyển hướng về bờ, bàn giao hai người bị thương để cấp cứu kịp thời, bảo toàn được tính mạng. Khoảng 10 ngày sau, thi thể ngư dân mất tích quấn vào lưới của một tàu cá và được đưa về mai táng.

Anh Lê Văn Chiến vinh dự được 3 đời Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen “Ngư dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Trong lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc thành phố trung ương (1/1/1997 – 1/1/2017) vừa qua, anh Chiến là một trong số 20 người được vinh danh công dân tiêu biểu Đà Nẵng.

Khánh Hồng

Tag :Lê văn chiến, người hùng ngư trường hoàng sa, sói biển, vùng biển chủ quyền, vùng biển Hoàng Sa, công dân tiêu biểu đà nẵng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

TODAY BEE

Popular Posts