"Với tôi Hà Nội mãi mãi là giấc mơ đẹp mà biết đâu đến giờ mình vẫn chưa tỉnh", cố nhạc sĩ từng tâm sự về tác phẩm nổi tiếng.
Nhạc sĩ Hoàng Dương.
Nhạc sĩ Hoàng Dương mất lúc 23h25 phút ngày 30/1 (mùng 3 Tết Đinh Dậu) ở Hà Nội. Ca sĩ Ánh Tuyết - người từng thể hiện thành công tác phẩm của cố nhạc sĩ - gửi đến Báo bài cảm nhận của chị về nhạc sĩ tài hoa. "Tôi viết bài cảm nhận khoảng bốn năm trước, sau một lần có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng ông. Tôi vẫn giữ bài viết lại cho mình và luôn nghĩ ông vẫn mãi còn đó. Tôi không khỏi bàng hoàng khi nghe tin ông qua đời vào dịp đầu xuân", chị chia sẻ.
Dưới đây là bài viết của nữ ca sĩ:
Khoảng 40 năm trước,thuở mới theo nghiệp ca sĩ, tôi hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương với sự hình dung mơ hồ về một không gian đẹp, thâm trầm và nỗi buồn mênh mang, bảng lảng sương khói. Năm 1994, tôi ra Hà Nội quay video tác phẩm này. Khi đó, tôi hát với tâm thế hoài cổ, vọng về những thời khắc xưa đồng hiện giữa cuộc sống đương đại. Còn bây giờ, sau nhiều năm từng có cơ hội gặp gỡ "cha đẻ" tác phẩm, tôi nhận ra bài hát là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảm xúc và lý trí, giữa ký ức và nỗi niềm hiện thực, giữa những điều đã qua và những gì còn lại của Hà Nội, của tâm cảm một người nhạc sĩ lão thành đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp văn nghệ...
Từ lần quay video ca khúc Hướng về Hà Nội năm 1994 cho đến hai thập kỷ sau đó, đôi lúc tôi tự hỏi có phải mình vô duyên hay không mà chưa có dịp gặp được người nhạc sĩ sáng tác ca khúc mà khi tôi thể hiện đã giành được rất nhiều tình cảm yêu mến của khán giả. Rất nhiều người đã tâm sự với tôi cảm xúc của họ về bài hát. Họ nói nhạc phẩm có một sức hút lớn, tạo nên khoảng lặng riêng biệt mà bất cứ ai đã chạm vào cứ bị hút vào vòng xoáy vô hình ấy. Vòng xoáy đưa con người ta về thật sâu miền tiềm thức để mỗi người yêu Hà Nội có thể ấp ủ một dư ảnh riêng cảm về thủ đô trong trái tim. Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi tìm gặp nhạc sĩ Hoàng Dương, những mong được tặng ông một bó hoa, được trực tiếp hát, để ông chia sẻ những suy nghĩ về bài hát.
"Hướng về Hà Nội" từ tiếng gọi vô hình của cảm xúc
Trong cuộc trò chuyện hôm ấy, người nhạc sĩ 80 tuổi cuốn hút tôi ở sự chậm rãi, nhẹ nhàng, chỉn chu, chừng mực. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện về tuổi thơ của ông. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức, nề nếp và truyền thống. Thân phụ ông là danh nhân văn hóa Hà Nội Trúc Khê - Ngô Văn Triện. Thuở bé, nhạc sĩ Hoàng Dương đã được tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật qua sự dạy dỗ của cha cũng như những lần nghe thân phụđàm đạo cùng bạn bè. Mạch nguồn của văn hóa ngấm vào ông lúc nào không hay.
Nhắc tới Hướng về Hà Nội, ông mỉm cười và im lặng hồi lâu trước khi trải lòng rằng bài hát đó luôn luôn có câu chuyện đặc biệt song hành. Ông bảo đó không chỉ là kỷ niệm, là cảm xúc của ông khi phải xa nhà những ngày kháng chiến mà với ông, dường như thuở ấy có tiếng gọi vô hình nào đó dẫn lối. Bài hát được sáng tác vào năm 1954. Ông kể, lúc đó, bản thân luôn bị ám ảnh bởi "quầng sáng" khi đứng dõi về Hà Nội. Trong khoảnh khắc cảm xúc thật khó diễn tả, ca từ rồi giai điệu bài hát xuất hiện lúc nào ông không hay. Tiếng gọi vô hình của cảm xúc đã làm nên tác phẩm Hướng về Hà Nội.
Nhạc sĩ Hoàng Dương quan niệm khoảnh khắc hạnh phúc của người nhạc sĩ là được chứng kiến đời sống tác phẩm của mình. Nhiều khán thính giả khi đi xa Hà Nội và cả những người sống trong lòng Hà Nội vẫn nghe tác phẩm với một tình yêu thủ đô mãnh liệt. Qua ca từ, giai điệu, Hà Nội đã sống trong lòng nhiều người với điều gì đó kỳ ảo như một giấc mơ đẹp u hoài mà đâu đó trong miền tiềm thức, mỗi người đã từng nhiều lần chạm phải. "Với tôi Hà Nội mãi mãi là một giấc mơ đẹp mà biết đâu đến giờ mình vẫn chưa tỉnh", tôi nhớ mãi nụ cười của Hoàng Dương khi ông nói điều này.
Làm sao chỉ có thể sống bằng ký ức?
Dẫu giữ mãi trong tim "giấc mơ đẹp" về Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Dương không phải là người chỉ sống bằng ký ức. Ông cho rằng cuộc sống là một sự vận động lớn. Nếu bản thân đứng yên có nghĩa là mình đã tự lùi lại. Sau những năm tháng chiến tranh kết thúc ở miền Bắc, ông hăng say tham gia các hoạt động âm nhạc, tập trung nghiên cứu nhạc cổ điển và là một trong những nhạc công đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo chính quy tại nước ngoài về nhạc cụ cello. Suốt những tháng năm sau đó ông là giáo sư của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, góp công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn cello. Cảm quan sáng tác của ông chuyển sang một giai đoạn mới với những tác phẩm khí nhạc, một thể loại mà cho đến tận hôm nay vẫn chưa được phổ biến theo hướng đại chúng ở góc độ thưởng thức của khán giả Việt Nam.
"Mỗi nhạc cụ đều có ’tính cách’ khác nhau, như tâm hồn mỗi con người vậy, khi trộn lẫn tất cả ta có một nhịp sống thực sự …", đó là quan điểm của nhạc sĩ Hoàng Dương khi sáng tác khí nhạc. Và “quầng sáng” Hà Nội từng ám ảnh ông thuở nào nay đã vụt sáng lấp lánh khi ông sáng tác những bản giao hưởng cho cuộc sống mới như Vũ khúc H’re, Tiếng hát sông Hương…
"Âm nhạc rất lạ, Tuyết có công nhận rằng một bài hát chúng ta có thể nghe đi nghe lại nhiều lần và có khi nghe suốt đời không?", ông hỏi tôi ở cuộc trò chuyện của ngày hôm đó. Tôi chợt hiểu ông muốn nói về sự mênh mông của mạch nguồn văn hóa và phần thưởng xứng đáng dành cho người nghệ sĩ khi mỗi ngày càng nhận ra những cảm xúc mới lạ mang đến sự thăng hoa cho tâm hồn.
Hà Nội bây giờ và những điều còn mãi
Như mọi lần khi tiếp xúc với những nhạc sĩ của đất Hà Thành, tôi hỏi ông về cảm nhận dành cho Hà Nội bây giờ. Nhạc sĩ Hoàng Dương chợt bật cười, ông vui vẻ đùa rằng hình như bây giờ mỗi nhà báo gặp các nhạc sĩ lão thành đều mong muốn họ nói về những nét đẹp xưa đã mai một hay điều gì đại loại như thế. Ông nói dạo này Hà Nội nhiều bụi. Có những đêm mù mịt, người ta vẫn nói là do nông dân ngoại thành đốt rơm rạ nên khói bay vào. Nhưng rõ ràng là bụi, có quá nhiều công trình mới đang được xây lên mỗi ngày. Dẫu vậy, những biểu tượng của Hà Nội như Cầu Long Biên, Tháp Rùa, Nhà Hát Lớn vẫn vẹn nguyên.
Có một người bạn của nhạc sĩ Hoàng Dương đã mang một vòng hoa ra tưởng niệm ngôi nhà cũ của ông ta trong khu phố cổ khi họ chuẩn bị phá đi để xây khách sạn. Có những quán cà phê trên phố cổ giờ chỉ còn những gã cao bồi già (từ một nhà văn nào đó dùng để chỉ lớp người cao niên mà vẫn mê chơi ở Hà Nội) đến lặng lẽ đốt thuốc ngắm những giọt cà phê, ôn lại hoài niệm một thời. Nhạc sĩ Hoàng Dương yêu những gì của Hà Nội thuở trước. Chứng kiến sự đổi thay nối liền hai thế kỷ qua, tình yêu đó với ông càng lúc càng lớn dần lên. Nhưng ông cho biết ông không nuối tiếc quá khứ. Với ông, văn hóa nghệ thuật dường như đã bắt được nhiều khoảnh khắc phát triển của Hà Nội thông qua thơ ca, tranh ảnh, phim… Từ đó, một thời đại mới đang đến, vì thế, nên để Hà Nội lại cho thế hệ trẻ hôm nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét