Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Gần đây, các thỏa thuận vũ khí của Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại. Mỹ và Nga vẫn tiếp tục thống trị thị trường toàn cầu.


Quang cảnh triển lãm hàng không Zhuhai, Trung Quốc năm 2016
Quang cảnh triển lãm hàng không Zhuhai, Trung Quốc năm 2016

Tồn tại nhiều vấn đề

Cuộc triển lãm hàng không quy mô lớn, 2 năm một lần đã diễn ra tại Zhuhai, Trung Quốc vào tháng 11 vừa qua, thu hút tới 700 đơn vị tham gia. Khách hàng tiềm năng từ châu Phi và châu Á đều đổ xô đến xem các khí tài quân sự của Bắc Kinh.

Tất nhiên, tâm điểm thu hút sự chú ý trong năm nay là J-20, tiêm kích tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên J-20 ra mắt công chúng.

J-20 tại triển lãm hàng không Zhuhai.

Mặc dù đã có bước tiến nhất định, song theo ấn bản tháng 12/2016 của O.E. Watch, trang thông tin của Văn phòng nghiên cứu quân sự nước ngoài (do quân đội Mỹ quản lý), ngành công nghiệpvũ khí Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

"Mặc dù thu hút sự chú ý lần này nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một loạt khó khăn trong ngành công nghiệp thương mại quốc phòng" - O.E. Watch lưu ý.

"Mức độ nhận diện trên toàn cầu của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa đủ lớn. Một vài lần được biết đến chỉ vì các hệ thống hỏng hóc hoặc thiết kế vũ khí lỗi.

Trung Quốc cũng thiếu các dịch vụ hậu mãi như đào tạo và bảo dưỡng các trang thiết bị vũ khí. Bên cạnh đó, một số quốc gia không tin tưởng Bắc Kinh trên trường chính trị".

Có một điều chắc chắn là Trung Quốc đã tìm cách len lỏi vào nhiều nơi trên thế giới bằng cách bán vũ khí. Hiện nay, 2/3 các nước châu Phi đều sử dụng vũ khí Trung Quốc. Vài năm trước, sản lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên gần đây, các thỏa thuận vũ khí đã có dấu hiệu chững lại. Mỹ và Nga vẫn tiếp tục thống trị thị trường toàn cầu.

Tháng 9 năm nay, phái đoàn Trung Quốc tham dự triển lãm hàng không tại châu Phi có vẻ đã phải vất vả tìm kiếm khách hàng cho JF-17, mẫu chiến đấu cơ đa năng do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất và được quảng bá sánh ngang với F-16 của Mỹ.

Một số nước châu Phi đang rà soát chặt chẽ hơn nguồn ngân sách của họ và điều này có tác động nhất định đến các thỏa thuận vũ khí.

Nigeria hiện là quốc gia châu Phi duy nhất đặt hàng JF-17.

Nghi vấn vũ khí kém chất lượng

Trực thăng Z-9 của Không quân Cameroon bị rơi hồi tháng 5 năm ngoái.

Cameroon (quốc gia Trung Phi) từng mua 4 trực thăng tấn công loại mới của Trung Quốc nhưng một chiếc trong số này đã rơi khi vừa được chuyển giao không lâu. Vụ việc có vẻ đã làm đóng băng các thỏa thuận mua sắm mới giữa 2 phía. Một số khách hàng tỏ ra lo ngại về chất lượng vũ khí do Trung Quốc sản xuất.

So với các loại vũ khí Mỹ và Nga đã được thử nghiệm trên chiến trường thì nhiều hệ thống của Trung Quốc vẫn chưa chứng tỏ được khả năng của chúng trước các khách hàng quân sự mới.

Trong một cuộc tập trận của Hải quân Indonesia hôm 14/9 năm nay, 2 tên lửa C-705 do Trung Quốc sản xuất đã trượt mục tiêu sau khi được phóng đi từ 2 tàu tấn công KCR-40. Đây là một sự cố đáng xấu hổ vô cùng bởi nó diễn ra trước sự chứng kiến của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Các ống phóng tên lửa C-705 trên tàu tên lửa tấn công nhanh lớp KCR-40.

Zhou Chenming, người từng làm việc cho một công ty con của Tập đoàn công nghệ và khoa học hàng không vũ trụ Bắc Kinh và nay đang công tác tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Knowfar, nhấn mạnh rằng sai sót của con người có thể đóng vai trò lớn trong sự cố trên.

"Khi tên lửa được bắn đi, yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong các hoạt động trung gian, quyết định tên lửa có bắn trúng mục tiêu chỉ định hay không, như cung cấp dữ liệu tham khảo về độ cao mà tên lửa cần đạt tới trong giai đoạn đầu và khi nào thì nó cần chuyển hướng" - Zhou phát biểu trên tờ SCMP (Hong Kong).

Ông này nói thêm rằng, tên lửa C-705 và 2 loại tên lửa tầm ngắn hơn C-701, C-704 đã chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen nhằm vào các tàu của UAE thuộc liên quân do Saudi dẫn đầu.

Quả thật, vũ khí Trung Quốc đã trở nên phổ biến với các nhóm phiến quân và nổi dậy trên khắp thế giới, do không phải cạnh tranh với các nhà cung cấp vũ khí khác.

Trung Quốc đã cung cấp vũ khí và đạn dược cho chính quyền Khartoum ở Sudan và từ đây vũ khí được tuồn cho các phe phái vũ trang trên toàn bộ châu lục.

Nhiều bằng chứng cho thấy quân chính phủ Nam Sudan trung thành với Tổng thống Salva Kiir đã có trong tay các tên lửa phòng không Trung Quốc, trong khi các nhóm nổi dậy do Khartoum hậu thuẫn cũng có được nhiều vũ khí mới do Trung Quốc chế tạo.

Ngoài xuất khẩu vũ khí, các công ty Trung Quốc còn gia tăng đầu tư vào châu Phi với hy vọng sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của châu lục này, cũng như dần dần xây dựng lực lượng của chính Bắc Kinh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

TODAY BEE

Popular Posts