Sau khi bị Ukraine cắt đứt quan hệ hợp tác quốc phòng, chấm dứt các hợp đồng chế tạo thiết bị quân sự, Nga đã cơ bản hoàn thành kế hoạch nội địa hóa các linh kiện nhập ngoại.
Tàu hộ vệ hạng nặng thế hệ mới nhất của Nga lớp “Đô đốc Gorshkov” sử dụng động cơ nội địa
Nga chấm dứt nhập khẩu động cơ Ukraine
Theo các quan chức quốc phòng Nga, chiếc tàu hộ vệ hạng nặng thế hệ mới nhất của Nga lớp “Đô đốc Gorshkov”, chế tạo trong khuôn khổ Dự án 22.350 đã được lắp động cơ nội địa hoàn toàn mới, chấm dứt việc phải nhập khẩu các động cơ thế hệ cũ do Ukraine chế tạo.
Đây là động cơ tuabin khí công nghệ cực kỳ tiên tiến do hãng “Saturn” (cũng là hãng sản xuất động cơ máy bay chiến đấu dòng AL-31F và AL-41F nổi tiếng trên các máy bay Sukhoi) của Nga sản xuất.
Các hạng mục công việc còn lại trên tàu hộ vệ "Đô đốc Gorshkov" sẽ được hoàn tất trong những tháng tới và tàu sẽ nhanh chóng được bàn giao cho Hải quân Nga. Những chiếc tàu tiếp theo thuộc khuôn khổ Dự án 22.350 đương nhiên cũng sử dụng động cơ nội địa này.
Hồi tháng 6 vừa qua, Nga cũng đã thay thế toàn bộ các động cơ một loạt máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định, trước đây phải mua từ Ukraine và các nước phương Tây như Mỹ, Pháp.
Là do Tổng công ty Chế tạo động cơ Thống nhất đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các động cơ thế hệ mới TV7-117V, sử dụng trên máy bay trực thăng mới Mi-38 và các máy bay cánh cố định hạng nhẹ như Il-114 và Il-112B.
Ngoài ra, trong 4 năm tới, máy bay trực thăng hạng nhẹ Ka-226 và trực thăng Ansat của Hãng Kazan cũng sẽ được lắp đặt động cơ nội địa TD-700 của hãng Technodynamica, thay thế cho động cơ tuốc bin trục (turboshaft) nhập của Mỹ và Pháp.
Dòng máy bay trực thăng tấn công Mi-28N cũng đã thay động cơ TvZ-117VMA-SBM1V của Hãng chế tạo động cơ Motor Sich của Ukraine bằng động cơ VK-2500 do công ty Klimov/Nga sản xuất.
Còn máy bay trực thăng siêu trọng của Nga là Mi-26T2 và các phiên bản xuất khẩu cũng sẽ thay thế hết các động cơ D-136 của hãng Motor Sich-Ukraine bằng động cơ nội địa PD-12V.
Cuối cùng, chương trình chế tạo loại máy bay trực thăng bay cao nhất thế giới là Mi-38 (9km), vốn ban đầu được thiết kế với 2 tùy chọn là sử dụng động cơ turboshaft Klimov TV7-117V của Nga hoặc PW127/TS của Pratt & Whitney của Mỹ cũng sẽ chỉ sử dụng động cơ nội địa.
Nga chế tạo mới, Ukraine bán động cơ tàu chiến cho ai?
Từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, trong giai đoạn quan hệ giữa Moscow và Kiev còn tốt đẹp, hầu như tất cả các tàu chiến Nga đều nhập khẩu động cơ tuabin khí do hãng Zorya-Mashprojekt, Ukraine sản xuất và Moscow cũng chưa từng có ý định chế tạo động cơ mới.
Quan hệ Nga-Ukraine đã xấu đi kể từ vụ chính biến trên Quảng trường Maidan năm 2014, dẫn đến việc chính quyền của ông Viktor Yanukovych bị lật đổ, thay thế bằng chính quyền thân phương Tây vào tháng 2/2014 và Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, sau đó cuộc nội chiến ở vùng Donbass, phía nam Ukraine nổ ra.
Các trực thăng Nga như Mi-28N đều được thay động cơ nội địa
Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, đồng thời Kiev cũng cắt đứt hợp tác kỹ thuật quân sự, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã lâm vào tình trạng khó khăn do một số cấu kiện trang bị vốn thường thuê Ukraine gia công bị cấm vận.
Các chuyên Nga từng khẳng định rằng, không có loại thiết bị nào Ukraine sản xuất được mà Nga không làm được, việc nước này nhập khẩu chủ yếu động cơ máy bay, tàu chiến Ukraine là do tình hữu nghị và sự phân công lao động, được thừa kế từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Nếu chính quyền Kiev ngăn cấm các doanh nghiệp chế tạo động cơ nước này bán động cơ máy bay, tàu chiến cho Nga thì Nga sẽ tự chế tạo, sản xuất và khi đó Ukraine sẽ “tự lấy đá ghè vào chân mình”, bởi họ sẽ không thể bán được những động cơ thế hệ cũ đó cho ai.
Do đó, vào giữa năm 2015, Nga đã cấp tốc triển khai kế hoạch thay thế hoàn toàn các thiết bị, linh kiện nhập ngoại. Trong đó, lĩnh vực tiên phong là động cơ máy bay trực thăng và động cơ tàu chiến đã thu được thành quả lớn chỉ sau vỏn vẹn hơn 1 năm.
Hiện nay, Nga đã đạt được sự độc lập hoàn toàn trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng của ngành công nghiệp hàng không và đóng tàu. Điều này sẽ giúp Moscow hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài, tránh những hệ quả của các rắc rối về chính trị.
Chiến lược “thoát Ukraine” là bộ phận quan trọng nhất trong việc sử dụng 100% các linh kiện và cấu kiện sản xuất trong nước, giúp Nga hoàn toàn chủ động trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, không phải chịu những sách nhiễu vô lý của các nhà cung cấp linh kiện Ukraine và phương Tây.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét