Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa có báo cáo kết quả bắt giữ và xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2016 với hơn 15.489 vụ bị bắt giữ, số tiền hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 416,5 tỷ đồng.


 Tình hình buôn lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả diễn biến phức tạp dịp cuối năm bất chấp sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng (ảnh minh họa)
Tình hình buôn lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả diễn biến phức tạp dịp cuối năm bất chấp sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng (ảnh minh họa)

Theo cơ quan Hải quan, số tiền trên đã thu nộp vào ngân sách 171,2 tỷ đồng, số còn lại nằm tại hàng hóa vi phạm. Trong năm 2016, Hải quan đã khởi tố 47 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 95 vụ vi phạm. Như vậy, mỗi ngày cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 42 vụ vi phạm, số tiền ước tính hơn 1,14 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan Hải quan cho hay, hoạt động phòng và chống buôn lậu còn nhiều diễn biến rất phức tạp. Cuối năm, tình trạng buôn lậu nhiều mặt hàng như ngoại tệ, tiền giả, hàng hóa diễn ra cực kỳ phức tạp, trên các địa bàn tuyến biên giới, cửa khẩu và tập trung ở nhiều đối tượng, phương tiện khác nhau.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Chống buôn lậu cho biết: "Cuối năm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp, khó lường, trong đó buôn lậu nhiều mặt hàng gia tăng để tiêu thụ trong dịp tết như pháo hoa, bánh kẹo, hàng hóa giày dép. Tính từ 16/11/2016 đến 15/12/2016, Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 935 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 24,6 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến hàng lậu từ nước ngoài và hàng giả trong nước".

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, hoạt động thành các đường dây để buôn lậu, vận chuyển trái phép vào Việt Nam các loại hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng,...

Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ được xác định là địa bàn hoạt động của giới buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa tiêu dùng... như: ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, đường, gia cầm, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em...

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường biển, các cảng biển quốc tế tập trung vào các mặt hàng: xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng,...

Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế diễn ra nhiều hình thức buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: ma túy, vũ khí, vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Đặc biệt trong năm 2016, lực lượng này đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ buôn lậu hàng cấm, hàng gian lận thương mại như thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng và xăng dầu. Điển hình như, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều tủ lạnh, máy giặt, điều hòa không khí, nồi cơm điện, âm ly, đầu CD, máy quay đĩa, quạt điện, máy hút ẩm, máy hút bụi, lò nướng,... đã qua sử dụng tại địa bàn thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Cục chống buôn lậu, do giá xăng dầu trong nước cao hơn so với khu vực nên tình hình buôn lậu xăng dầu có diễn biến rất phúc tạp về số vụ và giá trị. Trong năm 2016, ngành Hải quan đã phát hiện bắt giữ 13 vụ vi phạm, tang vật vi phạm gồm: 6.502,390 lít và 12.299,16 tấn xăng; 46.741 lít và 229,043 m3 dầu cùng hơn 3.517,22 tấn than tại ngoài biển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

TODAY BEE

Popular Posts