Những hình xăm chi chít trên mặt từng được coi là điều kiện để phụ nữ người Chin có thể lấy một người chồng tốt dù cách xăm truyền thống khiến họ phải chịu đựng nhiều đau đớn.
ảnh minh họa
Ở bang Chin thuộc khu vực miền núi hẻo lánh phía tây Myanmar, những người phụ nữ từ lâu đã nổi tiếng với khuôn mặt xăm hình. Truyền thuyết của người Chin kể rằng một vị vua đi ngang qua ngôi làng, thấy phụ nữ ở đây xinh đẹp nên đã bắt một người về làm vợ. Từ đó, các gia đình người Chin bắt đầu xăm lên mặt con gái họ để chúng không bị bắt cóc.
Theo BBC, một cách giải thích khác cho tập tục này bắt nguồn từ vấn đề tôn giáo. Khi Miến Điện bị thực dân Anh cai trị, nhiều cộng đồng người Chin buộc phải theo đạo Kitô hoặc chấp nhận tôn giáo này song song với tín ngưỡng duy linh của mình. Một số người Chin kể họ được các mục sư dạy rằng chỉ những ai có hình xăm mới được lên thiên đường.
6 bộ lạc trong cộng đồng người Chin có những kiểu xăm mặt khác nhau. Người M’uun (ảnh) dễ nhận ra nhất với các hình chữ P hoặc D móc nối nhau trên mặt cùng biểu tượng giống chữ Y trên trán.
Người M’kaan (ảnh) có hình xăm theo hàng trên trán và cằm. Người Yindu và Dai lại xăm những đường dọc trên toàn khuôn mặt, gồm cả mí mắt, tương tự người Nga Ah xăm cả chấm tròn và đường kẻ. Trong khi đó, phụ nữ Uppriu có khuôn mặt chi chít các chấm tròn và biến thành màu đen hoặc màu tro khác hẳn màu da.
"Mực" xăm được làm từ lá cây, chồi cây và bồ hóng. Lá cây tạo nên màu sắc, bồ hóng đóng vai trò sát trùng, còn chồi cây được sử dụng ở công đoạn cuối cùng với vai trò băng bó và làm lành vết xăm. Người Chin dùng gai nhọn có trên một số loài cây, châm vào da để tạo nên hình xăm.
"Tôi được xăm mặt khi 12 tuổi. Đau lắm, mặt tôi đau nhức trong suốt 5 ngày. Tôi chẳng nghĩ gì về việc tại sao tôi phải làm điều đó. Chỉ là tập tục và mọi cô gái ở tuổi tôi đều phải thực hiện", bà Daw Ngai Pai, người M’uun 72 tuổi, nói với BBC.
Bà Yaw Shen (trái), 86 tuổi, và người hàng xóm Hung Shen, 88 tuổi, đã trở nên nổi tiếng ở huyện Mindat khi du lịch bắt đầu phát triển ở bang Chin gần đây. Đường xá được nâng cấp tạo điều kiện cho nhiều người tìm đến đây khám phá văn hóa bản địa.
Bà Yaw Shen thổi sáo truyền thống, nghệ thuật cũng đang dần mai một, để phục vụ khách du lịch. Bà xăm mặt từ năm 15 tuổi. "Mặt tôi sưng phồng trong suốt một tuần nhưng tôi không hề lo lắng. Mẹ tôi bảo xăm như vậy mới tìm được tấm chồng tốt", bà nói.
Chính phủ Myanmar đã cấm tập tục này từ những năm 1960 trong nỗ lực xóa bỏ hủ tục và hiện đại hóa đất nước. Những người phụ nữ với khuôn mặt xăm hình như mặt hổ này là thế hệ cuối cùng duy trì tập tục.
Chị Pam Hung, 28 tuổi, là một trong rất ít người Chin thế hệ trẻ thực hiện việc xăm mặt. Chị mồ côi từ nhỏ và những người cao niên trong làng nói rằng chị nên xăm để được thần linh bảo vệ. Dù chính phủ đã cấm tập tục, bang Chin vẫn là vùng hẻo lánh, lạc hậu và nhiều người dân ở đây rất hiếm khi giao lưu với bên ngoài.
Đa số thế hệ trẻ người Chin không nghĩ những hình xăm của mẹ hay bà họ là đẹp. Thực tế, nhiều người cảm thấy xấu hổ vì truyền thống mà họ cho là lạc hậu. Tuy nhiên, khi các nhiếp ảnh gia, nhà báo và du khách đổ về đây ngày càng nhiều, một số gia đình lại bắt đầu cảm thấy tự hào vì những người phụ nữ "mặt hổ" này.
"Những cô gái trẻ tiếp xúc nhiều với bên ngoài. Họ dùng máy tính, đọc sách và họ thích quần áo bán ở Yangon, không phải những bộ đồ cổ lỗ sĩ của chúng tôi. Vậy nên họ không nghĩ những hình xăm này đẹp", bà Daw Nat Ngui nói. "Nhưng tất cả bạn bè của tôi đều xăm mặt, điều đó khiến chúng tôi thân thiết với nhau, chúng tôi có nhiều điều để chia sẻ. Tôi đoán chúng tôi là những người cuối cùng còn lại".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét