Nêu rủi ro pháp lý với cán bộ trực tiếp xử lý cơ cấu lại tổ chức tín dụng diện kiểm soát đặc biệt, Thống đốc Lê Minh Hưng đề xuất miễn trừ trách nhiệm với những người này.
ảnh minh họa
Chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã báo cáo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ảnh hưởng tâm lý cán bộ
Báo cáo của ông Lê Minh Hưng cho thấy tình trạng chưa hoàn thiện của các khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.
“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước”, báo cáo cho hay.
"Trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt", ông Hưng cho biết.
Theo người đứng đầu Ngân hàng nhà nước, nguyên nhân là pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Từ đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng cũng đề xuất quyền miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
“Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, dự thảo Luật quy định.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, "quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và được chuyên gia quốc tế do ADB hỗ trợ xây dựng dự thảo Luật đánh giá cao”.
Làm rõ điều kiện miễn trừ để tránh tùy tiện, lạm dụng
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt nhằm tăng cường, củng cố nguồn nhân lực để thực hiện và cũng phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế.
Tuy nhiên, đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các căn cứ, điều kiện, trường hợp được miễn trách nhiệm để tránh sự tùy tiện, lạm dụng khi thực hiện và bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo ông Thanh, để tránh việc lạm dụng quy định này cũng như để đề cao trách nhiệm của người được giao tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan như Luật cán bộ, công chức; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...; cần làm rõ phạm vi được miễn trách nhiệm pháp lý của người tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Tình hình nợ xấu tại các ngân hàng tính đến tháng 9/2016. Đồ họa: Phương Diệp.Nợ xấu có xu hướng tăng trở lại
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và hơn 3 năm triển khai thực hiện đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, tính đến 31/12/2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 490 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các tổ chức tín dụng này còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.
“Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém khôngđược tháo gỡ, sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét