Chưa hết chán chường, thất vọng sau nhiều ngày bị cảnh sát bắt nhầm, chàng trai 22 tuổi lại tiếp tục phải đối mặt với quyết định khó chấp nhận từ công ty.
ảnh minh họa
Bỗng dưng bị tạm giam nhiều ngày dù vô tội
Anh Ngưu năm nay 22 tuổi, người quận Trường An, tỉnh Tây An, hiện đang là nhân viên bán hàng tại một công ty thuộc thành phố Châu Hải.
Ngày 9/3 vừa qua, anh được công ty điều đi công tác tại thành phố Thẩm Dương. Sau khi xuống máy bay, anh thuê phòng tại một khách sạn trong thành phố.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một ngày sau (10/3), anh Ngưu đột ngột bị cảnh sát Thẩm Dương điều về đồn làm việc do bị tình nghi có liên quan đến một vụ án. Hiện tại, cảnh sát huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Nam đang phát lệnh truy nã anh.
Anh Ngưu bỗng dưng bị cảnh sát bắt giữ và trở thành đối tượng của lệnh truy nã từ một thành phố mà anh không hề đặt chân tới.
Theo lời kể của đương sự, anh Ngưu phải đợi trong trại tam giam tới 4 ngày. Đến ngày 14/3, cảnh sát Thạch Môn tới Thẩm Dương dẫn anh đi.
Trải qua một quãng đường dài, anh Ngưu đã được đưa về đồn cảnh sát huyện Thạch Môn vào ngày 15/3. "Sau khi thẩm tra tôi một ngày một đêm, họ mới nói là bắt nhầm rồi thả về." – anh Ngưu cho biết.
Phía cảnh sát cũng đưa ra lời giải thích: "Theo như tình hình hiện nay, rất có thể các thông tin cá nhân của anh Ngưu đã bị đánh cắp và sử dụng với mục đích phi pháp".
Công ty: Đã tuyển người mới và không phục chức anh Ngưu
Ngày 16/3, anh Ngưu rời đồn cảnh sát huyện Thạch Môn. Lực lượng chức năng tại đây cũng đã hủy lệnh truy nã anh. "Họ xin lỗi tôi và đưa tôi 1000 NDT (hơn 3 triệu VNĐ) tiền đi đường." – anh Ngưu nói.
Tuy nhiên, khi liên hệ với công ty ở Châu Hải anh Ngưu làm việc, cán bộ tại đây lại cho biết vì anh mất liên lạc quá lâu, lại trễ hẹn với khách hàng nên họ đã đưa ra quyết định sa thải.
Trong lúc phải làm việc với đồn cảnh sát, anh Ngưu đã bị công ty cũ sa thải. (Ảnh minh họa).
Khi phóng viên tới phỏng vấn công ty, người quản lý nhân sự giải thích rằng phía họ mất liên lạc với anh Ngưu khi anh tới Thẩm Dương. Thậm chí phải tới 3,4 ngày sau, công ty mới biết nhân viên của mình bị đồn cảnh sát dẫn đi.
"Bảy, tám ngày sau anh ta trở về thì chúng tôi mới biết tường tận sự việc. Nhưng không thể phủ nhận được việc anh ta đã bỏ bê công việc, làm ảnh hưởng tới nghiệp vụ công ty. Vì vậy công ty chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động với người này."
Người quản lý còn nói thêm, trong lúc anh Ngưu gây trễ nải công việc, công ty đã tuyển nhân viên mới. Tuy rằng trước đây tác phong làm việc của anh Ngưu cũng không có vấn đề gì, nhưng công ty hoàn toàn không có ý định phục chức cho anh.
Luật sư: Đương sự có thể yêu cầu phía công ty bồi thường
Theo lý giải của luật sư, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Ngưu như trên là không hợp pháp.
Căn cứ theo Điều 50 Bộ luật lao động tại Trung Quốc, "người sử dụng lao động phải đưa ra giấy tờ chấm dứt hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động". Nhưng trong trường hợp này, anh Ngưu lại hoàn toàn không nhận được giấy thông báo chấm dứt hợp đồng lao động của công ty.
Theo luật sư, đối với trường hợp đặc biệt của anh Ngưu, hành động của công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và vi phạm một số điều trong bộ luật lao động Trung Quốc. (Ảnh minh họa).
Hơn nữa, Điều 39 Bộ luật lao động nước này cũng quy định, khi người lao động chủ động bỏ việc hoặc vi phạm các điều lệ và quy định của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Tuy nhiên, việc anh Ngưu mất liên lạc là do phía cơ quan cảnh sát tạo thành nên việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Ngưu là vi phạm pháp luật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét