Trong công văn vừa gửi UBND TP.HCM, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoRea) cho rằng thành phố vẫn có thể làm được những căn hộ nhà ở xã hội có giá 100-200 triệu đồng/căn. Mỗi căn có diện tích xây dựng 30m2 bao gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng.
ảnh minh họa
Theo HoRea, số căn hộ này có thể phát triển được tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương. Nghĩa là đã có sẵn hạ tầng giao thông và một số tiện ích cơ bản như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí; nằm gần khu công nghiệp; có địa chất vững chất.
HoRea liệt kê một loạt các khu vực thuận lợi với điều kiện này như Khu chế xuất Linh Trung I, II, III (326ha); Khu công nghệ cao (913ha); Công viên phần mềm Quang Trung (43ha); Đại học quốc gia TP.HCM (647ha, trong đó có 2/3 diện tích thuộc tỉnh Bình Dương); Khu đô thị công nghiệp Cảng biển Hiệp Phước (3.600ha) và Khu chế xuất Tân Thuận (320ha).
Cũng theo số liệu hiệp hội này đưa ra, thành phố có gần 3 triệu người nhập cư; hơn 400.000 sinh viên và hơn 50.000 cặp vợ chồng kết hôn mới mỗi năm. Khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà cùng 81.000 hộ trong số này cần nhà ở xã hội giai đoạn 2016 – 2020.
Hiện, ký túc xá của các trường đại học và các khu lưu trú công nhân do doanh nghiệp đầu tư chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở cho khoảng 13% số người chưa có nhà ở tại TP.HCM. Còn đến 87% phải ở tại các khu nhà trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích và không đảm bảo an toàn, an ninh.
HoREA nhận định, với quỹ đất nêu trên TPHCM có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán từ 100-200 triệu đồng/căn. Như vậy, chưa đảm bảo công bằng xã hội bởi sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này, giải quyết khoảng 1% nhu cầu của công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư.
Do đó HoREA cho rằng, Bộ Xây dựng, chính quyền thành phố và các cơ quan liên quan cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, và hỗ trợ cả người dân để họ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nhà ở này.
Theo HoREA, nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo từng chương trình cụ thể.
Đồng thời, phải tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công của thành phố.
Chẳng hạn như quỹ đất các Nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, Nông trường bò sữa (huyện Củ Chi). Hoặc các quỹ đất công đang làm nhà xưởng sản xuất ô nhiễm tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp, quỹ đất công của các cơ quan nhà nước thuộc diện sắp xếp lại theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quỹ đất công của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chủ trương cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước, quỹ đất công được tạo lập trong quá trình quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích thành phố nằm trên nền đất yếu. Chỉ có quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi có nền địa chất vững chắc nhưng chi phí đầu tư hạ tầng cao. Trước mắt chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực thuộc quận Thủ Đức, quận 9, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, hoặc tại Khu đô thị mới Nam Sài Gòn.
Về lâu dài có thể phát triển lên huyện Củ Chi và cả khu vực xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, điều này chỉ có tính khả thi khi đã phát triển các đô thị vệ tinh và xây dựng hệ thống giao thông kết nối.
Ngoài ra, theo HoREA, thành phố nên hợp tác cùng bảy tỉnh thuộc vùng đô thị TPHCM, trước hết là các huyện giáp ranh hoặc gần thành phố như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Thuận An, Dĩ An, Nhơn Trạch, Long Thành, Tân Thành... để phát triển các khu đô thị vệ tinh, trong đó có các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.
Bên cạnh đó, nếu muốn hạ giá thành nhà ở xã hội thì cần đầu tư những dự án lớn, có quy mô từ khoảng 50 ha trở lên, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, để hình thành khu đô thị mới có đầy đủ tiện ích.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét