“SCIC phải có trách nhiệm bảo toàn, còn phần chênh lệch còn lại mới được phân phối các quỹ. Chúng ta không nên lo ngại câu chuyện bán vốn để ăn”, Phó Cục trưởng Cục tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay.
ảnh minh họa
Tại Hội thảo về Chuyển giao doanh nghiệp về SCIC ngày 21/2, sau khi nghe báo cáo của Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về kết quả thực hiện chuyển giao doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) băn khoăn: “Sau khi SCIC bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nguồn tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào? Có khi nào bán vốn để ăn? Nếu bán hết vốn sau vài năm, sẽ giải thể SCIC?"
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, rõ ràng việc bán vốn nhà nước để tiêu là rất nguy hiểm.
“Tôi khẳng định luôn là không phải. Cơ chế hoạt động của SCIC đã có quy định. Có một Nghị định của Chính phủ, trong đó có nói bảo toàn vốn phát triển Nhà nước khi SCIC tiếp nhận vốn. SCIC phải có trách nhiệm bảo toàn, còn phần chênh lệch còn lại mới được phân phối các quỹ. Chúng ta không nên lo ngại câu chuyện bán vốn để ăn”, ông Thu nhấn mạnh.
Theo ông Thu, với mô hình của SCIC như hiện nay đã phát huy tác dụng trong quản trị vốn nhà nước, thực hiện quyền của nhà nước tại các doanh nghiệp, bên cạnh các nhiệm vụ đầu tư và các nhiệm vụ khác.
Trước những băn khoăn của TS. Nguyễn Đình Cung, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, tiền của SCIC bán vốn xong, sau khi nộp các nghĩa vụ nhà nước thì quay lại hoạt động đầu tư .
“Tiếp nhận, quản lý vốn tại các doanh nghiệp chỉ là một mặt hoạt động của SCIC. Một mặt nữa hoạt động đầu tư. Phần vốn nhà nước sau khi SCIC bán vốn tại các doanh nghiệp sẽ về SCIC. Trước đây, chúng tôi dùng khoản tiền này sau khi nộp thuế, nghĩa vụ với nhà nước sẽ trích lập quỹ đầu tư và hoạt động đầu tư. Cho đến nay, SCIC đã đầu tư vào các doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn, gia tăng giá trị cổ phần của SCIC tại doanh nghiệp; đầu tư các cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, đầu tư vào doanh nghiệp đang hoạt động hoặc doanh nghiệp mới; tìm kiếm dự án, đầu tư vận hành dự án”, ông Hiển giải thích.
Ông cho biết, SCIC đã đầu tư 24.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) vào các hoạt động đầu tư. Các ngành lựa chọn đầu tư là các ngành kinh tế trọng điểm, chưa thực sự thu hút kinh tế tư nhân tham gia như: nghiên cứu đầu tư cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất thuốc vắc xin quy mô công nghiệp, năng lượng…
“Tiền của SCIC bán vốn xong, sau khi nộp các nghĩa vụ nhà nước, trích lập quỹ đầu tư nộp về cho nhà nước. Hiện nay chúng tôi cố gắng sử dụng đầu tư hiệu quả từ khoản tiền thu được hoạt động bán vốn”, ông Hiển khẳng định.
Trước ý kiến của lãnh đạo SCIC, chuyên gia kinh tế - TS. Lưu Bích Hồ nói: “Tôi muốn đại diện SCIC nói rõ thêm mấy vấn đề. Dư luận mấy năm qua nói SCIC đem vốn chuyển về, sau khi xử lý không biết đầu tư vào đâu nên đem gửi lấy lãi ngân hàng, lãi có khi dễ hơn đầu tư. Mặc dù SCIC nói đã đầu tư vào mấy doanh nghiệp như ý tế, điều đó là cần thiết nhưng tôi thấy khó, khó có tác dụng. Một số đại biểu cũng nói quản lý của SCIC không chỉ hạn chế mà còn không minh bạch, có tiêu cực. Có hay không chuyện này?”.
Trước nhưng câu hỏi của TS. Lưu Bích Hồ, ông Hiển cho rằng, SCIC là một mô hình mới, trong quá trình vừa làm vừa tìm tòi nên không thể hoàn thiện ngay. Ngoài việc đầu tư vào y tế, SCIC còn đầu tư hạ tầng như cảng, điện, dự án nước sạch…
“SCIC có nhiệm vụ bảo toàn phát triển vốn của doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, không thể làm thất thoát vốn nhà nước một đồng. Từ một đồng đấy chỉ có thể tăng lên đồng rưỡi, hai đồng, ba đồng…Tất cả tăng thêm lợi nhuận đều nộp về nhà nước. Trên cơ sở đó, nhà nước điều phối đầu tư cho các ngành”, ông Hiển nhấn mạnh.
“Tôi khẳng định toàn bộ tiền bán vốn của SCIC hiện nay sau khi trích lập quỹ đầu tư phát triển sẽ được nộp cho nhà nước và nhà nước sử dụng nguồn tiền để đầu tư”, ông Hiển nói thêm.
Theo báo cáo của SCIC, với vốn tiếp nhận theo giá thị trường khoảng 15.000 tỷ đồng, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đạt được kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển vốn. Sau 10 năm hoạt động: thu cổ tức đạt 25.700 tỷ đồng; thu lãi bán vốn 19.400 tỷ; số vốn còn lại theo thị trường khoảng 99.000 tỷ đồng. Tổng cộng khoảng 144.000 tỷ, gấp 10 lần so với vốn tiếp nhận theo giá thị trường.
Lũy kế từ khi thành lập đến nay, vốn chủ sở hữu đạt trên 36.000 tỷ; Tổng tài sản đạt 72.000 tỷ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét