Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng dự khoảng chục LHP quốc tế, gần nhất tranh giải tại LHP Boston lần thứ 15 và LHP quốc tế Houston lần thứ 50 trước khi ra mắt khán giả Việt Nam. Anh chia sẻ kỳ vọng giới thiệu hình ảnh Việt Nam trong trẻo tới bạn bè quốc tế.
Đạo diễn Lương Đình Dũng và lũ trẻ trong “Cha cõng con” quay tại Hà Giang. Ảnh: Ngọc Sơn
Hẳn là đem trình chiếu phim ở LHP nào đó đơn giản hơn việc được chọn tranh giải, với “Cha cõng con” anh có mất nhiều công sức không? Đây là con đường đi anh chọn cho bộ phim điện ảnh đầu tay?
Chúng tôi không mất gì, nhà sản xuất thấy có liên hoan thì gửi phim đi, sau đó nhận được thông báo từ BTC. Khi làm phim xong, mục tiêu đầu tiên của tôi phát hành ở Việt Nam. Trong lúc chờ phát hành rảnh rỗi mang phim dự thi. Dự thế thôi, chẳng may được giải thì mừng chứ không phải mục tiêu.
Phim thứ hai - Thành phố ngủ gật mới đúng là tôi nhăm nhăm chinh phục BGK khó tính nhất, làm với rất ít tiền. Tôi mong Cha cõng con đến với khán giả bởi sự trong trẻo, không giáo điều. Tất cả quần áo trong phim do tự tay tôi chọn vải. Xem phim khán giả thấy sự nghèo khó của nhân vật nhưng tuyệt đối phải sạch sẽ. Sắp tới phim chiếu tại Boston điều khiến tôi vui nhất là bạn bè quốc tế sẽ có cái nhìn tuyệt vời về con người, thiên nhiên Việt Nam.
Diễn viên chính Ngô Thế Quân được biết đến với Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng”. Anh ấy nói không bao giờ nghiên cứu kỹ trước kịch bản và diễn theo bản năng. Anh có nghĩ mình mạo hiểm với diễn viên bởi trong phim có cậu bé Cá và lũ trẻ cũng rất nghiệp dư?
Tôi tin vào khả năng kiểm soát của mình, biết chắc người đó có thể làm được vì qua casting, trao đổi kỹ lưỡng. Phải nói thật tôi thích một chút mạo hiểm với diễn viên vì mang đến cảm giác mới lạ. Còn Cá đúng là sự may mắn kiểu như bắt được cá ấy. Cậu bé có thiên bẩm diễn xuất, rất tự nhiên, đặc biệt nhìn bên ngoài rất giống Ngô Thế Quân. Tôi lặn lội khắp các trại trẻ từ trong nam ra bắc để tìm đứa trẻ đóng vai Cá, chưa kể bao đứa trẻ con nhà nòi cho tới khi gặp được thằng bé và lũ trẻ ở làng trẻ Việt Trì. Rồi nhân vật chàng mù do đô vật Hà Văn Hiếu thủ diễn cũng là duyên may, hàng trăm người đến thử vai đều không được cho tới khi Hiếu được dẫn tới. Tôi hét lên “cậu này là của tôi, không thể để thoát”.
Anh làm “Cha cõng con” có vẻ nhiều duyên may từ diễn viên trở đi, với nhà biên tập Hollywood và nhạc sỹ Hàn Quốc cũng gặp nhau ở chữ duyên?
Tôi học lớp biên kịch ở TPHCM gặp cô giáo là nhà biên kịch Pilar Allesandra, nhờ cô xem và góp ý kịch bản không ngờ cô nhận lời biên tập phim. Tôi tìm đến các chuyên gia nước ngoài cũng là một cách học, vì cô ấy dạy tôi thêm nhiều kỹ năng chuyên môn. Tôi cũng được người quen giới thiệu nhạc sỹ nổi tiếng Hàn Quốc Lee Dong-jun. Với người chuyên nghiệp như thế tôi cũng phải gửi trước kịch bản, anh ấy thích, xem phim và nhận lời làm nhạc. Nhạc của anh ấy hay, quyến rũ, có những đoạn nghe nhạc đủ xúc động rồi. Sau này tôi cũng gặp cả nhà dựng phim Julie nữa.
Đồng nghiệp của anh sau khi xem hậu trường “Cha cõng con” cũng nói anh quá mạo hiểm?
Năm 2013 tôi tính toán rất kỹ, bà con huyện Bắc Mê (Hà Giang) theo kinh nghiệm khẳng định thời gian 18/8 rất đẹp, nhưng trước khi quay một tuần bối cảnh ngập sâu 20m. Năm 2015 khi trở lại tôi quyết định chọn quay phim giữa mùa bão. Một lựa chọn vô cùng nguy hiểm cho tiền tài sự nghiệp và cả con người. Chúng tôi thuê người trồng, trong nom triền cỏ trong phim suốt mấy tháng trời. Đi tìm hai mười nghìn cây số khắp mọi miền mới được bối cạnh kỳ diệu, đẹp khó tả.
Giờ nghĩ lại thời điểm quay cũng sợ. Có hôm cách chỗ chúng tôi quay mấy chục cây, có tin sét đánh chết mấy chục con trâu, anh em trong đoàn vứt hết bộ đàm, điện thoại thật xa vì sợ sét. Ban ngày đi trên suối không sao thế mà tối về ngập đến cổ. Có những ngày lũ lên cao gần 5m cô lập bà con xung quanh, nhưng 2h chiều lại rút và đoàn lại vào quay. Cả đoàn trăm người và trẻ con ngày ngày leo lên đồi cheo leo. Cảnh sông nước cũng nguy hiểm vô cùng. Có thời điểm sông Gâm mỗi ngày nước dâng cao 1m, chúng tôi nhấc dần ngôi nhà gỗ lên và nước lại đuổi theo. Nếu lũ xảy ra sớm một tuần coi như phim phá sản lần hai, sớm vài ngày thì cũng chịu cảnh râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Lương Đình Dũng, kể về cậu bé luôn mơ ước chạm tay vào những đám mây và một người cha quanh quẩn đánh cá không biết tới bao giờ mới đủ tiền chữa bệnh cho con. Cha cõng con được lựa chọn cho nhiều hạng mục ở chục LHP quốc tế, đã có giải thưởng mang về. Sắp tới đạo diễn và nhà sản xuất được mời sang LHP quốc tế Boston và LHP quốc tế Houston nhân phim lọt vòng tranh giải.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét