Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

“Phi đội đường 9” là băng nhóm tội phạm từng gây sóng gió những năm trước và đầu giải phóng ở các tỉnh phía Bắc. Chúng có hơn một trăm tên, thường đóng giả bộ đội hoạt động theo các nhóm nhỏ dọc tuyến đường tàu Hà Nội - Vinh, đặc biệt là tuyến Nam Định - Vinh và ngược lại.


Hai đối tượng trong băng nhóm “Phi đội đường 9” bị bắt giữ thời ấy.
Hai đối tượng trong băng nhóm “Phi đội đường 9” bị bắt giữ thời ấy.

Nguyễn Văn Vân, tức Ba Đen, “đại ca” của băng nhóm này lang thang vào tận Sài Gòn và trộm cắp nhuần nhuyễn từ những năm lên 10 trong vai đứa trẻ đánh giày.

Y có thâm niên trộm cắp nhiều nhất, kéo dài từ trước năm 1945, rồi trở ra Bắc hành nghề khi miền Bắc giải phóng. Y đã 2 lần bị xử phạt tù, 2 lần bị bắt tập trung cải tạo với tổng cộng 16 năm, đấy là chưa kể 6 lần trộm cắp bị bắt, được giáo dục cảnh cáo tha.

Năm 1974, Ba Đen trốn trại cải tạo, tiếp tục hành nghề trộm cắp nhưng thủ đoạn của y tinh vi hơn, tập hợp các đám lưu manh, quy phục chúng để nâng lên vị trí đại ca, hưởng lợi từ những chiến tích của các nhóm đàn em.

Nếu nói về tài móc túi thì các đối tượng trong băng nhóm “Phi đội đường 9” phải bái phục “đại ca” Ba Đen. Vào dịp Tết năm 1975, Ba Đen vào nhà tên Nguyễn Văn Uông ở Nam Định chúc Tết (nhà Uông là một địa điểm chứa chấp các tên trong băng nhóm).

Khi đang uống nước, thấy tàu vào ga Nam Định, Ba Đen chỉ rảo chân trong nháy mặt vào ga mà khi quay về đã vứt ra trước mặt Uông 9 chiếc ví, ví nào cũng có tiền và giấy tờ mà y vừa móc được.

Uông đã phải bái sư phụ: “Đời tôi nuôi “lính” đã nhiều nhưng chưa thấy ai giỏi bằng ông, tôi xin phục ông đấy!”.

Những năm 1974 - 1975, lúc đó Ba Đen đã lui về ở trên 2 con thuyền mua được trên khu vực sông ở Lang Chánh, Thanh Hóa như một lão thuyền chài.

Hằng ngày, y cùng vợ giả quăng lưới trên sông, nhưng thực chất chúng thường mua cá của các thuyền chài khác, mang lên bán cho các nhà dân ven bờ, đôi khi còn bán lỗ vì mục đích là tăm tia, trộm cắp tài sản.

Ba Đen thường không trực tiếp trộm cắp nữa mà huấn luyện cho vợ, vợ chồng đứa em trai và nuôi thêm một thằng bé 15 tuổi để những người này trộm cắp nộp cho y.

Ngay cả các nhóm tội phạm trộm cắp ngược xuôi trên tàu hung hãn là thế đến kỳ hạn vẫn phải cho người mang tiền vào nộp cho “anh Ba”. Đứa nào gian dối, trộm cắp được nhiều, nộp ít cũng bị chúng vào “tố” với “anh Ba” để “xử”.

Cái uy của Ba Đen thời điểm đó khiến nhiều tên đàn em, kể cả chưa một lần được giáp mặt Ba Đen, nghe bị “mách anh Ba” là khiếp vía. Thỉnh thoảng ngứa nghề và muốn thể hiện với đàn em thì Ba Đen mới trực tiếp ra tay trộm cắp.

Vậy mà, theo lời khai của y sau này, từ năm 1969 đến khi bị bắt là 11-6-1975, mỗi tháng y trộm cắp được trên 100 vụ, đủ tiền cho cả nhà y ăn tiêu phè phỡn.

Băng nhóm “Phi đội đường 9” gồm hơn trăm tên, đủ các thành phần: già, trẻ, gái, trai, thậm chí cả trẻ con.

Loại hàng chục tiền án, tiền sự như Ba Đen, Nguyễn Hữu Hải, tức Hải “trạch” nhiều nhất, nhưng cũng có cả những đối tượng là cán bộ nhà nước, công nhân như Minh “râu”, tên Oanh tối theo tàu trộm cắp, ban ngày về tiếp tục đi làm.

Đáng buồn trong đó có cả một số bộ đội phục viên không giữ được bản chất, như tên Nguyễn Văn Quang có rất nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ…

Chúng có những quy định riêng với nhau như: không trộm cắp vào ngày 3 và ngày 7 (do mê tín); nam giới thì phải mặc quần áo bộ đội, thậm chí đeo ve hàm để trà trộn vào rất nhiều đồng chí bộ đội thật đi lại trên tuyến đường tàu giai đoạn này, thêm một bộ quần áo thường trong ba lô để khi bị lộ, sang toa khác “thoát xác”.

Các tên nam giới còn mang theo mũ cứng bộ đội (gọi là mũ cối), dao găm, kéo, tuốc nơ vít, đèn pin, thắt lưng da to để hành hung người bị hại khi bị bắt quả tang.

Chúng ngầm thỏa thuận với nhau, nếu 1 tên trên tàu bị bắt thì cả nhóm phải xúm vào hỏi han, cản đường cho đồng bọn chạy thoát.

Trắng trợn hơn, có những trường hợp, chúng quây bị hại lại, lén bỏ tài sản của chúng vào túi bị hại rồi vu cho họ ăn cắp để đánh hội đồng dã man.

Thế là mọi người trên tàu lại dồn sự chú ý vào người bị hại- bây giờ bị mang tiếng là kẻ cắp, thậm chí nhiều người dân còn hùa vào với chúng để đánh hôi….

Giai đoạn ấy, những hành khách đi tàu cứ nơm nớp không biết lúc nào bị kẻ gian trộm cắp mất tài sản. Mỗi lần tàu vào ga Nam Định, tiếng loa phát thanh lại ra rả: “Hành khách đi tàu chú ý, tàu chuẩn bị vào ga Nam Định, hành khách cẩn thận hành lý!”…

Trước tình trạng ấy, Bộ Công an đã giao cho Công an các tỉnh ven đường tàu, chủ công là Công an Nam Hà (sau này tách ra thành Công an Nam Định và Công an Hà Nam) phối hợp truy bắt băng nhóm trộm cắp lừng danh “Phi đội đường 9”.

Một buổi chiều muộn, Thượng tá Trần Xuân Du, nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định, lúc đó là trinh sát “cứng” của đơn vị được ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng gọi vào giao nhiệm vụ trà trộn vào băng nhóm “Phi đội đường 9”.

Thế là vất vưởng mấy tháng, ông Du cũng mặc quần áo bộ đội, xuôi ngược theo các chuyến tàu Nam Định -Vinh và ngược lại, thấy bọn chúng trộm cắp cũng xô vào che chắn để chúng tin tưởng cho nhập bọn.

Thời kỳ đó làm gì có điện thoại di động hay nhắn tin, cứ đến cuối tuần, ông Du mới về Nam Định gặp thủ trưởng Châu chớp nhoáng trong nơi khuất của một cửa hàng ăn quen để báo cáo tình hình.

Những nhân chứng là ông Trần Xuân Du và ông Nguyễn Ngọc Kha kể lại trận đánh “Phi đội đường 9” năm xưa..

Một lần, ông Châu giao nhiệm vụ cho ông Du mang theo máy ảnh và làm thế nào chụp được mặt của các đối tượng trong băng nhóm để nhận diện. Nhưng đang đóng vai kẻ lang thang lấy đâu tài sản quý là máy ảnh?

“Tôi bèn hiến kế để anh Châu mượn một cô gái khoác theo túi xách để máy ảnh hớ hênh đi trên tàu, rồi tôi xui bọn trong băng nhóm trộm cắp. Trộm được chiếc máy ảnh cơ, có thằng nào biết chụp đâu, chúng bèn nhờ hết vào tôi.

Thỉnh thoảng tôi lại mang máy ảnh ra rủ chúng đi chơi, chụp kỷ niệm. Cả đời chúng có đứa chẳng được chụp cái ảnh nào bao giờ nên hí hửng lắm. Với cái máy ảnh ấy, tôi đã chụp được và chuyển về cho đơn vị ảnh nhận diện của gần 50 đối tượng”- ông Du kể lại.

Sau khi dựng được rất nhiều đối tượng trong băng nhóm “Phi đội đường 9” và vai trò cũng như thủ đoạn hoạt động của Ba Đen, ông Du được Ban chuyên án rút về vì sợ lộ.

Những ngày sau, căn cứ vào các tài liệu mà ông Du và đồng đội thu thập được, các tổ trinh sát đã đồng loạt lên đường, chặt đứt từng nhánh đối tượng trong băng nhóm.

Ngày 30-4-1975, miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Hân hoan với niềm vui của cả dân tộc nhưng các tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Hà vẫn canh cánh nhiệm vụ khi Ba Đen và một số đồng bọn chưa bị bắt.

Họ ngược xuôi theo những chuyến tàu đêm, phối hợp với Công an các tỉnh truy lùng từng đối tượng trong “Phi đội đường 9”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Kha, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định, thời điểm đó đang là lính trinh sát, một thành viên của tổ công tác được giao đi bắt ông trùm Ba Đen kể lại: “Mất mấy tháng chúng tôi mới lần ra được tung tích của trùm Ba Đen. Đầu tháng 6-1975, chúng tôi nhận được tin Ba Đen sẽ có mặt ở bến phà Đế thuộc huyện Nho Quan (Ninh Bình).

9 anh em có mặt phục kích tại bến phà suốt 1 tuần liền. Đúng 5h30 ngày 11-6-1975, khi trời vẫn mờ sương, chúng tôi phát hiện Ba Đen cùng với vợ và đứa con nuôi rời thuyền len lên phà lúc này đã khá đông khách.

Khi y đang che cho đứa con nuôi móc túi thì chúng tôi áp sát, khống chế cả hai. Ba Đen luôn mồm nói: “Các anh nhầm rồi”.

Sau khoảng 1 năm ra quân truy quét, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Hà phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố dọc tuyến tàu từ Hà Nội về Vinh đã bắt giữ được trùm Ba Đen và gần 100 đối tượng khác trong băng nhóm.

Những tên còn lại cũng dạt sang địa bàn khác bỏ trốn. Qua sàng lọc, 44 đối tượng đã bị bắt giam và đưa ra xét xử với các mức án nghiêm khắc khác nhau. Riêng Ba Đen, với bản chất lưu manh, trong thời gian chờ xét xử đã phá cửa buồng giam trốn thoát.

Sau đó, với sự truy lùng gắt gao của các lực lượng Công an, tên Ba Đen bị bắt lại tại Bắc Giang và lãnh mức án tù chung thân.

Chiến công triệt phá băng nhóm “Phi đội đường 9” của lực lượng Cảnh sát hình sự Nam Hà hiện vẫn được nhắc đến trong lịch sử của lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc và trên những trang sử vàng của Công an Nam Định.

Những người tham gia đánh án ngày ấy không còn nhiều, nhưng trong ký ức của những người còn sống như ông Du, ông Kha…, trận đánh ấy vẫn vô cùng sống động, là một thời hào hùng của tuổi trẻ các ông luôn tận hiến cho đất nước, cho lực lượng Công an.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

TODAY BEE

Popular Posts