Tổng thống Donald Trump đã trải qua 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng nhằm thực hiện những lời hứa khi tranh cử, dù không phải nỗ lực nào cũng thành công.
ảnh minh họa
Không tham gia tiệc báo chí có truyền thống gần 100 năm của Hiệp hội Thông tín viên Nhà Trắng vào đêm 29.4, Tổng thống Donald Trump thay vào đó tổ chức diễn thuyết tại Harrisburg, bang Pennsylvania, nhằm những thành tựu trong 100 ngày làm việc đầu tiên. “Chính quyền của tôi đã dành từng ngày để mang lại lợi ích cho các công dân vĩ đại của đất nước chúng ta”, Reuters dẫn lời ông Trump phát biểu. “Chúng tôi thực hiện hết lời hứa này đến lời hứa khác, và nói thật lòng là ai nấy đều hết sức hài lòng vì điều đó”, nhà lãnh đạo Mỹ nói. Có lẽ là đúng như thế nếu dựa trên những lời phát biểu và nội dung các sắc lệnh hành pháp liên tục được công bố từ Nhà Trắng, nhưng cách tiếp cận theo kiểu “đi đường tắt” đã khiến không ít lời hứa của ông Trump chưa được trọn vẹn.
“Mưa” luật và sắc lệnh
Trong 100 ngày đầu tiên, Tổng thống Trump đặt bút ký thông qua nhiều luật, hơn hẳn 5 tổng thống đời trước từ Ronald Reagan đến Barack Obama, và công bố nhiều sắc lệnh hành pháp hơn bất kỳ lãnh đạo Mỹ nào từ thời Harry Truman (1945 - 1953). Cụ thể, ông Trump ký thông qua 29 luật, nhưng không dự luật nào thực hiện lời hứa từ chiến dịch tranh cử hoặc tạo được ảnh hưởng trên toàn quốc. Trong đó, 11 luật có nội dung phủ định các luật được thông qua dưới thời ông Obama, chẳng hạn luật Internet và An ninh xã hội, còn 4 luật chủ yếu mang tính hình thức và đặt tên lại các đài tưởng niệm, hai bệnh viện cho cựu chiến binh, theo CNN.
Một thành tích đáng nể của đương kim tổng thống Mỹ là chỉ mất hơn 3 tháng để ban hành sắc lệnh hành pháp ở mức kỷ lục, nhiều hơn bất cứ tổng thống nào của nước này suốt 72 năm qua. Đến nay, ông Trump là chủ nhân của 32 sắc lệnh hành pháp từ an ninh biên giới đến điều luật về phá thai, trong đó nhiều sắc lệnh về di trú đã bị các thẩm phán Mỹ lần lượt chặn lại. Đây là điều khá bất ngờ vì ông Trump từng lên tiếng chê trách Tổng thống Obama là “lạm dụng” sắc lệnh. “Tôi nghĩ ông ấy chỉ tập trung ký các sắc lệnh hành pháp”, theo lời ông Trump phát biểu trong một sự kiện vào tháng 12.2015. Trong khi đó, ông Obama ký 19 sắc lệnh, ông Bush (con) là 11, và ông Clinton ban hành 13 sắc lệnh trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên.
Có lẽ thắng lợi rõ ràng nhất của ông Trump là đề cử thành công thẩm phán vào Tòa án tối cao của Mỹ, trở thành tổng thống Mỹ thứ 4 làm được điều này trong 100 ngày. Ông Neil Gorsuch mới 49 tuổi và dự kiến sẽ ngồi ghế thẩm phán Tòa án tối cao của Mỹ trong nhiều thập niên tới. Trước đó, Tổng thống Rutherford B.Hayes (1877 - 1881) đã đề cử bất thành ông Stanley Matthews vào Tòa án tối cao, và phải đợi tổng thống thuộc đảng Cộng hòa sau đó là James Garfield một lần nữa đề cử mới được Thượng viện chấp nhận với số phiếu sít sao.
Chính sách châu Á - Thái Bình Dương
Có thể nói chính sách của Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương là một trong các đề tài thu hút sự chú ý mạnh mẽ nhất kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng. Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1, tổng thống mới của Mỹ tuyên bố: “Kể từ ngày này trở đi, chúng ta sẽ áp dụng chính sách nước Mỹ là trên hết”. Tuy nhiên sau 100 ngày, những gì đã diễn ra đang làm mờ nhạt dần nỗi quan ngại về chủ nghĩa dân túy ở Mỹ. Đài SBS (Úc) ngày 30.4 dẫn lời chuyên gia Aaron Connelly của Viện Lowy về chính sách quốc tế nhận định rằng “chính sách dân tộc chủ nghĩa ở Nhà Trắng chưa đến mức phải lo ngại”. Kể từ khi cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn phải từ chức vào tháng 2 vì các mối liên hệ với Nga, chính sách đối ngoại của Mỹ có sự thay đổi nhưng đường hướng vẫn chưa rõ ràng. Một điều chắc chắn là ông Trump đã có sự thay đổi về chính sách với Trung Quốc sau cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Florida vào đầu tháng 4.
Với tình hình căng thẳng liên quan đến bán đảo Triều Tiên, các câu hỏi được đặt ra là liệu nước Mỹ dưới thời ông Trump có duy trì vai trò bảo vệ các đồng minh ở khu vực một khi xung đột nổ ra. Việc ông Trump lần lượt cử Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đến châu Á - Thái Bình Dương đã phần nào trấn an các đồng minh, cũng như ảnh hưởng tích cực từ việc nhà lãnh đạo Mỹ tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vài tuần sau khi nhậm chức. Vẫn còn quá sớm để phán đoán những thay đổi về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của ông Trump nhưng việc đưa tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và hệ thống THAAD đến bán đảo Triều Tiên phần nào giúp ổn định tâm lý của các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét