Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Ngày 25 - 26.4, Giáo sư Ngô Bảo Châu có buổi gặp gỡ và truyền cảm hứng học thuật cho hàng ngàn sinh viên miền Trung.


Giáo sư Ngô Bảo Châu ký tặng sách cho các sinh viên
Giáo sư Ngô Bảo Châu ký tặng sách cho các sinh viên

Theo đuổi đam mê và chấp nhận sai số

“Toán thực sự là cái neo ổn định cho cuộc đời tôi”, GS Ngô Bảo Châu trả lời một sinh viên Trường ĐH Sư phạm, khi bạn này đặt câu hỏi về vị trí của toán trong cuộc đời ông.

Câu trả lời của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên đam mê toán học và nghiên cứu khoa học. Bởi có đam mê mới thành công, đam mê mới chấp nhận bước qua thử thách và cả thất bại. GS Ngô Bảo Châu cũng thừa nhận lúc nhỏ ông cũng thực sự gặp khó khăn với toán. “Đa số các bài toán thầy giáo cho, tôi đã không giải được. May thay chính khó khăn đã tạo hấp lực đối với tôi, buộc tôi phải tìm tòi và tìm cho bằng được đáp án”, GS Châu cho biết.

“Vậy “sai số” lớn nhất mà giáo sư gặp trong đời là gì?”, một sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ hỏi. "Kể cả là toán hay cuộc đời thì tôi chấp nhận sai số, chấp nhận điều chỉnh thường xuyên", đáp án của GS Châu đã khiến nhiều người thú vị.

GS cho biết với mọi vấn đề, ông đều từng bước mày mò như với nhiều thuật toán khác nhau, có giả thiết, có chứng minh, có sự kiểm tra, kiểm nghiệm và rút kinh nghiệm. “Kể cả bài toán lớn, có thể là bài toán cuộc đời vẫn cần điều chỉnh sai số. Đến cuối cùng, nghĩ rằng đã giải quyết được bài toán rồi, nhưng đến khi viết ra được đáp án vẫn là thử thách vô cùng lớn”, GS Châu .

Tạo môi trường giáo dục đặc biệt

Trong câu chuyện về lựa chọn và theo đuổi đam mê, GS Ngô Bảo Châu cho biết mình là một đứa trẻ bình thường thích hát hò, đá bóng như mọi đứa trẻ khác, chỉ may mắn có được môi trường sống đề cao giáo dục và học vấn. “Tôi may mắn gặp được những người thầy giáo tốt nên phát huy được khả năng của mình. Có thầy giáo còn cho tôi... nghỉ học thoải mái mà không cần xin phép. Tôi thấy thích quá và nghỉ rất nhiều. Nhưng nghỉ, ở nhà mày mò toán là chính, vì thích”, GS Châu tiết lộ.

Nhấn mạnh vai trò của môi trường giáo dục, GS Ngô Bảo Châu cho biết mình kỳ vọng về một nền giáo dục ưu tú cho các bậc học của VN, từ chính những người thầy. Theo ông, ở những nước như Pháp, Mỹ, họ thực sự không có chương trình đào tạo đặc biệt, nhưng họ lại có cách để tạo ra lớp cán bộ giảng dạy ưu tú và đặc biệt. Ví dụ ở Pháp, có những kỳ thi quan trọng để đánh giá chất lượng giáo viên mức độ phổ thông và mức độ cao cấp, ưu tú và phải trải qua những cuộc tuyển chọn gắt gao để giành được những chứng chỉ này. Điều quan trọng là những cuộc thi nói trên đều để chế độ “mở”, “công khai” cho cộng đồng cùng xem, dự khán và đánh giá kết quả một cách minh bạch.

Chính những cuộc thi giành chứng chỉ một cách công khai này tạo nên đội ngũ ưu tú trong giảng dạy và những người giỏi có cơ hội tuyển dụng. Họ không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn có khả năng sư phạm, tạo ra đội ngũ ưu tú trong giảng dạy bậc học phổ thông ở Pháp. Đây cũng là thông tin tham khảo cho giáo dục phổ thông ở VN.

Hãy năng động để thành công

Khi Nguyễn Thị Thanh Tâm, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, muốn nghe nhận xét về những hạn chế của sinh viên VN so với sinh viên thế giới, GS Châu khẳng định: Các bạn trẻ phải bớt thụ động đi, phải năng động hơn nữa. Tuy nhiên, GS cũng lý giải phần lớn là do môi trường gia đình và xã hội, sự quan tâm, tạo điều kiện và bảo bọc quá nhiều khiến các bạn thụ động. Bằng chứng là các bạn du học sinh VN khi ra nước ngoài vẫn rất biết cách tự lập, chủ động học hỏi, tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng để trải nghiệm và thành công.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng các tố chất cơ bản của con người (dũng cảm, kiên trì, biết đối đầu với cái khó) giúp bạn trẻ đi xa hơn trong nghiên cứu khoa học và cả trong cuộc sống, chứ không phải là sự thông minh. Những tố chất xã hội khác như ứng xử chân thành, giao tiếp tốt… cũng giúp bạn thành công. Theo ông, nếu có được những điều này thì bạn có thể không trở thành một nhà khoa học vĩ đại nhưng nhất định bạn sẽ là một nhà khoa học tốt.

“Các bạn cần chuẩn bị cho mình những hiểu biết về giá trị có tính phổ quát, cần giao lưu với mọi người. Trẻ con nên được trang bị những kiến thức xã hội theo kiểu giáo dục khai phóng, trên nền tảng nhân văn. Văn hóa vững chắc sẽ tốt hơn cho các em khi vào đời, khi va chạm, khi gặp khó khăn và áp lực cuộc sống. Bởi vì năng lực và công việc chỉ là một phần cuộc sống, không phải là tất cả...”, GS Ngô Bảo Châu nói với các sinh viên miền Trung.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

TODAY BEE

Popular Posts