Chiếc máy gieo hạt “4 trong 1” được một học sinh lớp 11 ở huyện miền núi cao Bắc Trà My (Quảng Nam) chế tạo thành công đã đỡ đần rất nhiều cho những nông dân nghèo, khi họ không phải khom lưng gieo từng hạt…
Nguyễn Quốc Toản bên chiếc máy gieo hạt
Theo gia đình di cư từ đồng bằng lên huyện miền núi cao đã nhiều năm, Nguyễn Quốc Toản (17 tuổi, học sinh lớp 11/3 Trường THPT Bắc Trà My, H.Bắc Trà My) thường xuyên chứng kiến cảnh ba mẹ khom lưng gieo từng hạt và tốn nhiều công sức khi mỗi mùa thu hoạch bắp. Chưa kể, nhiều gia đình khác ở TT.Bắc Trà My, nơi Toản cư ngụ, còn phải tốn công làm đất, đánh hàng, lấp hàng…
Ý tưởng chế tạo chiếc máy có thể làm thay sức người đã ấp ủ từ đó, tất cả chỉ mong cha mẹ và người dân thôn bản đỡ vất vả.
Nhưng chiếc máy “4 trong 1”, có thể rạch hàng rồi bón phân, gieo hạt, lấp hàng, không dễ thực hiện như hình dung ban đầu của cậu học trò. Để có vật liệu phục vụ cho việc chế tạo, hằng ngày sau giờ học Toản thường lân la đến các cửa hàng sửa chữa xe máy xin những thứ mà người ta bỏ đi.
Sau đó, Toản lần dò trên mạng nghiên cứu nguyên lý và phương thức hoạt động của máy gieo hạt, kế đến là mày mò vẽ bản thiết kế. Ngót 2 tháng, cuối cùng chiếc máy “4 trong 1” cũng ra đời, được đưa vào thử nghiệm ngoài ruộng.
Chiếc máy được thiết kế dựa vào động cơ chủ yếu của xe máy cũ. Chiếc xe 2 bánh được “độ” lại thành xe 3 bánh để có thể chạy được dưới ruộng nước. Nguyên lý hoạt động của máy 4 chức năng khá đơn giản: khi xe chạy, dây xích quay khiến cho ống trụ tròn quay theo, nhả hạt, phân xuống ống phễu. Sau đó, hạt và phân cùng lúc theo ống trụ tròn nối với phễu rơi xuống đất, rồi được bộ phận lấp hàng phía sau lấp đất lại. Tất cả các bộ phận trên máy có thể dễ dàng tháo lắp, thay đổi kích cỡ và công suất để phù hợp với các loại hạt khác nhau.
“Chiếc máy gieo hạt kết hợp này nhìn rất đơn giản nhưng có 4 chức năng có thể giúp người nông dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà năng suất trên các thửa ruộng sẽ tăng cao”, Toản hào hứng.
Tổng chi phí để làm ra chiếc máy gieo hạt kết hợp này chỉ khoảng 5 triệu đồng, và đã được trao giải nhất tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh THPT năm học 2016 - 2017 tại Quảng Nam. “Sắp tới em sẽ cải tạo chiếc máy để có thể áp dụng cho những vùng có địa hình dốc”, Toản nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét