- Kết luận kiểm toán được công bố mới đây gây nhiều “sóng” với dư luận khi lần đầu tiên, nhiều con số, vấn đề được phơi bày, từ vấn đề nợ công, BOT tới chuyện loạn giá thầu thiết bị y tế. Dù vậy, nhiều đơn vị được Kiểm toán Nhà nước điểm tên tỏ ý phản ứng, ví dụ như Bộ Ngoại giao, Bộ KH-ĐT, các bệnh viện của Bộ Y tế… cho rằng kết luận chưa xác đáng, thấu đáo, thậm chí là phiến diện áp đặt. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?
- Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi thực hiện đúng chuẩn mực và quy trình của kiểm toán. Các cơ quan đơn vị nói như thế chứng tỏ trước hết là họ không trung thực hoặc thiếu trách nhiệm. Kiểm toán Nhà nước đã có sự trao đổi, làm việc rất nhiều trong quá trình thực hiện kiểm toán. Sau khi xong, để làm biên bản kiểm toán cũng phải có sự chứng kiến của đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán cũng có văn bản yêu cầu đơn vị được kiểm toán giải trình các vấn đề Kiểm toán nhà nước phát hiện. Sau đó Kiểm toán nhà nước mới tiến hành xây dựng dự thảo báo cáo. Dự thảo cũng phải qua các khâu kiểm soát về chất lượng kiểm toán rồi thông qua tổ, thông qua đoàn kiểm toán rồi mới trình Hội đồng cấp vụ duyệt trước khi trình lãnh đạo (Tổng Kiểm toán hoặc là Phó Tổng Kiểm toán) duyệt lại lần cuối cùng. Về vấn đề bằng chứng, các kết luận đưa ra được thể hiện từ văn bản, biên bản làm việc, biên bản của tổ, chứng từ, hồ sơ...
Vậy nên những người nêu ý kiến như vậy, tôi cho là có thể họ không trực tiếp theo dõi quá trình kiểm toán hoặc họ thiếu trách nhiệm, sai rồi lại không chịu sửa.
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 1/6.
- Như vậy, với vai trò Tổng Kiểm toán nhà nước, ông khẳng định các kết quả đã được thể hiện trên báo cáo kiểm toán là trung thực?
- Chúng tôi có bằng chứng kèm theo. Trong luật kiểm toán quy định, các đơn vị được kiểm toán nếu không đồng tình có thể kiện ra tòa. Vậy thì các đơn vị cứ… kiện thoải mái (cười).
Cụ thể, với những kết luận về việc loạn giá thầu thiết bị y tế, việc lãng phí trong mua sắm, trang bị khi nhiều máy móc, phương tiện để “đắp chiếu”, không khai thác hoặc khai thác không hết công suất… nhiều người trong ngành thắc mắc, nếu đường chính, những con số về việc chênh giá phải được thể hiện chính thức trong báo cáo chứ không phải đặt “foot note” (chú thích chân trang) dẫn tới những suy diễn bất lợi cho ngành?
Đó là vì mỗi đơn vị kiểm toán chúng tôi có một báo cáo riêng. Còn tại bản báo cáo tổng hợp, không thể đưa hết các nội dung vào. Mỗi năm, Kiểm toán nhà nước tiến hành 300 cuộc kiểm toán mà một cuộc như vậy cũng có báo cáo khoảng 50 trang, không thể đưa vào hết được. Những vấn đề đúc kết ra là trọng tâm nhất, còn “foot note” là để chúng tôi dẫn chứng minh họa về những đơn vị vi phạm cụ thể.
- Những Bộ, ngành, cơ quan được nhắc tên, dẫn chứng cũng bức xúc vì cho rằng vấn đề chưa được họ thống nhất quan điểm vẫn được đưa vào báo cáo kiểm toán?
- Rõ ràng là thế. Nhưng về phía Kiểm toán nhà nước, bao giờ chúng tôi cũng đề nghị đơn vị được kiểm toán giải trình, hết sức dân chủ. Phải đi đến tận cùng, gốc rễ của sự việc, xem thử anh giải trình việc này thế nào, có đúng luật không. Sau giải trình của anh, tôi đưa ra bằng chứng, thậm chí là tranh luận lại. Còn khi đã có kết luận, Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Nếu thấy chúng tôi sai, các đơn vị có quyền khiếu nại, và thậm chí có quyền kiện ra tòa.
- Lãnh đạo Bộ KH-ĐT từng bảy tỏ bức xúc vì cho rằng Bộ đã trao đổi rất nhiều lần và không đồng ý với kết quả kiểm toán, nhưng Kiểm toán nhà nước vẫn ra kết luận. Thứ trưởng Bộ này dẫn chứng, Kiểm toán nhà nước cho rằng Bộ KH-ĐT đã bố trí vốn 575 tỷ đồng cho 18 dự án không có cơ sở và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan nhưng thực tế, đây là các dự án do UBND các tỉnh thành đề nghị bằng văn bản, không phải do Bộ KH-ĐT tự ý đề xuất?
- Phản ứng của Bộ KH-ĐT tôi cho là cũng không đúng. Trong kết luận, chúng tôi mới nói chuyện thủ tục sai, thẩm quyền trong quá trình tiến hành không đúng, chưa nói đến trách nhiệm về thất thoát, lãng phí.
Họ phản ứng 18 dự án mà kiểm toán kết luận là không đúng bởi vì khi phân bổ họ ghi theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kiểm toán nhà nước hỏi rõ là nếu làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì văn bản nào, công văn nào, hay thông báo làm việc nào, hoặc chẳng hạn bút phê nào thì không có. Vậy là họ làm không đúng rồi chứ còn gì nữa.
Hai nữa họ là người chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư công, theo Luật Ngân sách và theo Luật Đầu tư công thì vốn phải phân bổ trước 21/12, nhưng họ phân bổ tới 11 lần mà chỉ có 1 lần trước ngày 31/12 thì rõ ràng 10 lần sau là sai.
- Được biết, Bộ KH-ĐT đã gửi kiến nghị lên Quốc hội đề nghị xem xét. Ông có biết thông tin đấy không?
- Họ gửi lên đâu là quyền của họ. Nhưng chúng tôi kết luận là phải có đầy đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và đã đưa ra Quốc hội nghĩa là chúng tôi đảm bảo về việc đó. Kiểm toán nhà nước cho rằng sai thì phải sửa và như thế mới là trung thực, có trách nhiệm. Nếu cần, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ tổ chức họp báo để đưa ra bằng chứng về sai phạm còn không thừa nhận trách nhiệm thì đơn vị đó không đúng.
- Sau khi công bố kết quả kiểm toán, những Bộ, ngành, cơ quan nào đã chính thức gửi văn bản kiến nghị đến Kiểm toán nhà nước, thưa ông?
- Kể cả Bộ KH-ĐT cũng không gửi công văn chính thức tới kiểm toán nhà nước để phản ứng rằng kết luận của chúng tôi sai. Thực tế, trước đó chúng tôi đã làm rất chặt rồi, có vấn đề gì đã trao đổi với nhau hết rồi.
- Khi sửa Hiến pháp, nhiều người rất kỳ vọng chế định độc lập được thiết kế là Kiểm toán nhà nước. Những năm gần đây, yêu cầu của Quốc hội đặt ra với kiểm toán cũng cao hơn. Kiểm toán nhà nước có chịu sức ép nào đối với nguyên tắc đảm bảo tính độc lập của mình?
- Không, Kiểm toán nhà nước thực hiện đảm bảo tính độc lập và tuân theo pháp luật, còn thực hiện theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, đúng luật kiểm toán 2015 đã ban hành.
- Xin cảm ơn Tổng Kiểm toán!
P.Thảo
Tag :tổng kiểm toán nhà nước, Hồ Đức Phớc, loạn giá thầu thiết bị y tế, kiểm toán dự án BOT