Dân trí Những ngày này, người dân ở các vùng quê tỉnh Khánh Hòa đang lâm vào cảnh điêu đứng vì hàng nghìn tấn mía tồn đọng, phơi nắng, có nguy cơ thành củi… sau sự cố nước thải Nhà máy Đường Khánh Hòa.
>> Vụ cá chết sau sự cố nhà máy đường: Thiệt hại 6,5 tỷ đồng
>> Nghi vấn sự cố nước thải nhà máy đường khiến tôm cá chết hàng loạt
Sau sự cố nước thải Nhà máy Đường Khánh Hòa vào giữa tháng 3/2017, nhà máy này ngừng hoạt động để khắc phục hệ thống nước thải. Hiện nay, hàng nghìn tấn mía ở các vùng quê tỉnh Khánh Hòa đã thu hoạch bị phơi nắng, có nguy cơ thành củi...
Tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) cũng tồn một lượng lớn mía, đã thu hoạch 10 ngày nay. Theo Hội Nông dân xã Diên Tân (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), toàn xã có trên 100 tấn mía bị ứ đọng nhưng chưa thấy nhà máy đến thu mua cho dân. Do đó hiện địa phương đã làm báo cáo kiến nghị lên huyện Diên Khánh đề nghị can thiệp giải quyết trước mắt lượng mía ứ đọng
"Nhà máy gặp sự cố hệ thống nước thải chứ đâu gặp sự cố vận chuyển, cân đo mà sao không mua cho dân?”, ông Đồng Quốc Hùng (xã Diên Tân) băn khoăn
Nhiều vùng quê khác ở huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa cũng gặp cảnh tương tự. Tại thị xã Ninh Hòa, lượng mía tồn chủ yếu tập trung ở các xã như: Ninh Tây, Ninh Tân, Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa), với ước tính hơn 1.000 tấn mía. Theo người dân, số mía này đã thu hoạch 10 ngày nay nhưng chưa bán được do sự cố nước thải Nhà máy Đường Khánh Hòa
Chưa bao giờ người trồng mía gặp nhiều khó khăn như thời điểm hiện nay. Theo tìm hiểu, không riêng gì ở Khánh Hòa mà lượng mía ở các nơi như Ninh Thuận, Đắc Lắc... cũng bị dồn ứ, nguy cơ mất lượng đường
Ghi nhận thực tế, mía bị phơi khô lâu ngày, thân mía gầy guộc nên lượng nước đường bên trong thân mía cũng giảm rõ rệt
Ông Trần Đình Sáu (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) cho biết, do gia đình hợp đồng bán mía với 2 nhà máy khác nhau nên khi Nhà máy Đường Khánh Hòa gặp sự cố nước thải, ngừng hoạt động thì ông cũng bán được cho Nhà máy Đường Phan Rang. "Ở xã này, không có nhiều hộ hợp đồng 2 nhà máy nên mía tồn rất nhiều hoặc mía còn trên đồng không thể thu hoạch", ông Sáu nói
Rất ít hộ dân có đầu ra cho cây mía sau khi Nhà máy Đường Khánh Hòa gặp sự cố nước thải và đang khẩn trương khắc phục. Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa), cho biết, hiện cơ quan chức năng đang niêm phong cống xả, khi nào nước thải đạt loại A mới cho nhà máy hoạt động trở lại
Hiện ngành chức năng ở các huyện Cam Lâm, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa đang thống kê số mía tồn đọng, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa để có hướng tháo gỡ khó khăn, tránh thiệt hại cho người dân
Thời điểm này đang là vụ thu hoạch mía nhưng nhiều diện tích mía ở huyện Cam Lâm không thấy người dân chặt mía. Người dân cũng cho biết, nếu kéo dài nữa thì khó tránh khỏi nguy cơ giảm chữ đường, trọng lượng mía
Viết Hảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét