Dân trí Đến cuối tháng 3/2017, công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường cho các tổ chức, cá nhân trong đợt 1 tại tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành. Tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ là 1.091,59 tỷ đồng...
>> Quảng Trị đã chi trả hơn 460 tỷ đồng bồi thường sự cố môi trường biển
Theo kết quả báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì đến cuối tháng 3/2017, địa phương này đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai, bồi thường thiệt hại đợt 1 cho các đối tượng theo Quyết định số 1880/QĐ- TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể có 6.489 tàu cá, 1.545 ha nuôi trồng thủy sản (ao, hồ, bãi triều), 27.022 m3 nuôi lồng bè, 127 ha sản xuất muối, 47.960 lao động bị ảnh hưởng, giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.591,77 tỷ đồng.
Đến ngày 27/3/2017, tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ là 1.091,59 tỷ đồng (đạt 91% so với số kinh phí của Trung ương tạm cấp là 1.200 tỷ đồng), trong đó đã chi trả cho các đối tượng được 1.022,8 tỷ đồng (đạt 86% số kinh phí Trung ương cấp).
Về bồi thường, hỗ trợ thủy sản tồn kho, số liệu thủy sản tồn kho đủ điều kiện để thẩm định thiệt hại là 1.478,558 tấn, ước tính kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 29,210 tỷ đồng. Số thủy sản chưa đủ điều kiện để thẩm định thiệt hại là 2.559,581 tấn, ước tính nếu được bồi thường, hỗ trợ thì khoảng 82,876 tỷ đồng.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và các địa phương bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thẩm định thiệt hại đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định để phê duyệt, chi trả cho nhân dân. Để giải quyết khó khăn cho nhân dân, trước mắt, tỉnh đã tạm ứng số tiền gần 5 tỷ đồng để chi trả 50% chi phí bồi thường các cơ sở có hải sản tiêu hủy và hải sản đảm bảo an toàn để tiêu thụ.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hoàn thành việc hỗ trợ hơn 6000 tấn gạo cho hơn 19.000 hộ dân; hỗ trợ diện tích nuôi trồng bị thiệt hại 750 triệu đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2016 với số tiền hơn 3 tỷ đồng, hỗ trợ học phí cho khối học sinh Mầm non, Trung học cơ sở hơn 4,6 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất vay vốn thu mua muối cho diêm dân và kiểm nghiệm chất lượng muối hơn 100 triệu đồng chi phí hỗ trợ…
Hiện nay, cơ bản các hoạt động nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy, hải sản trên địa bàn đã quay trở lại hoạt động bình thường.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện bồi thường đợt 2 cho các đối tượng: Chủ tàu và người lao động trên tàu khai thác thủy sản trong đầm phá; chủ các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch có địa điểm kinh doanh tại các xã, phường, thị trấn ven biển bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển; lao động làm việc trong các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tại mục nêu trên, có địa điểm kinh doanh hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển…
Tuy nhiên, đến nay công tác thống kê, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường nảy sinh khá nhiều vấn đề như: Khó khăn trong việc xác định giá thu mua, việc xuất trình hóa đơn, chứng từ thu mua hải sản của các cơ sở; việc bổ sung bảng kê số 01/TNDN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; các đối tượng bị thiệt hại nhưng chưa thuộc diện bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 1880/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; vướng mắc về cơ sở xác định hải sản chết 70%; chưa rõ khái niệm hải sản chết do ảnh hưởng trực tiêp sự cổ môi trường hay chết do ảnh hưởng gián tiếp của sự cổ môi trường; hồ sơ thủ tục, chứng từ chứng minh hải sản chết..
Ngoài ra, còn một số đối tượng đã được UBND tỉnh đề xuất Trung ương bổ sung nhưng đến nay chưa được bổ sung như: các cơ sở thu mua tạm trữ có kho đông, kho lạnh không thuộc các xã ven biển, trực tiếp thu mua hải sản tại các cảng cá, bến cá của địa phương…. Việc chuyển đổi nghề cho người dân sống ven biển sang nghề khác gặp khó khăn do thực trạng phần lớn lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, lao động là người già, trẻ em chiếm tỷ lệ cao; tâm lý của người dân không muốn thay đổi nghề truyền thống.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung chỉ đạo hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đợt 1 và triển khai bồi thường, hỗ trợ đợt 2 cho các đối tượng bị thiệt hại.
Trước đó, vào tháng 4/2016 hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế. Đến tháng 6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận trực tiếp gây ra sự cố môi trường khiến cá biển chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Ban lãnh đạo Công ty đã cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Xuân Sinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét