Dân trí Viêm họng có đến 70 – 80% nguyên nhân là do vi rút, đồng nghĩa không được sử dụng kháng sinh bởi không mang lại hiệu quả điều trị, chưa kể nguy cơ gây kháng thuốc. Nhưng làm thế nào để nhận diện dấu hiệu viêm họng cần dùng kháng sinh?
10 trẻ viêm họng, 8 trường hợp không cần dùng kháng sinh
Tại Hội nghị Nhi khoa Việt – Mỹ diễn ra sáng 30/3 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi đã trình bày báo cáo sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị nhiễm trùng hô hấp.
Theo PGS Dũng, viêm họng ở trẻ em có đến 70 – 80% là do vi rút. Số còn lại là do liên cầu. Điều này có nghĩa, cứ 10 trẻ viêm họng thì 7 – 8 trường hợp không phải dùng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng.
“Điều trị triệu chứng ở đây là gì? Đó là có sốt thì dùng thuốc hạ sốt; ho thì dùng thuốc ho, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi thì dùng nước muối biển, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin. Kháng sinh không sử dụng trong những trường hợp này và trên thế giới, phác đồ điều trị viêm họng do vi rút cũng không sử dụng kháng sinh”, PGS Dũng nói.
PGS Dũng dẫn chứng nhiều nghiên cứu cho thấy, tác dụng của kháng sinh so với thuốc ho trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ em là rất thấp. Theo đó, thuốc ho làm giảm ho nhiều hơn kháng sinh sau 6 ngày điều trị.
Vì thế, thấy con viêm họng, các mà mẹ đừng vội cho trẻ uống kháng sinh, vừa tốn kém, nguy cơ kháng thuốc vừa không mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
Có dấu hiệu sau phải dùng kháng sinh
Theo đó, nếu em bé có các triệu chứng bệnh do vi rút, với các biểu hiện như: viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng vi rút, các bố mẹ hãy bình tĩnh theo dõi con tại nhà (hoặc đi khám nếu bố mẹ thấy không yên tâm) vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, muối biển. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ hãy dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Nếu trẻ ho nhiều, nên đi khám để được hướng dẫn dùng loại thuốc ho phù hợp.
Còn khi bệnh nhân có sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, chất xuất tiết ở họng, amidan cho thấy khả năng lớn bệnh nhi viêm họng do liên cầu tan huyết beta -nhóm A. Lúc này trẻ sẽ phải sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng kháng sinh phải theo chỉ định, với mục tiêu khỏi bệnh lâm sàng tối đa, vi khuẩn chết không thể đột biến, giảm thiểu kháng thuốc.
Theo PGS Dũng, ông phải nhấn mạnh điều này bởi rất nhiều bà mẹ có thói quen khi trẻ đang uống kháng sinh sau 2 – 3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc. Đây là một điều rất nguy hiểm bởi khi uống thuốc, vi khuẩn đang bị yếu dần đi (chưa chết hẳn), lúc này ngừng thuốc, vi khuẩn không bị tiêu diệt, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm.
Tại Hội nghị Nhi khoa Việt – Mỹ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 30-31/3 có nhiều báo cáo của các chuyên gia đến từ Mỹ, Việt Nam về nhiều chuyên đề trong nhi khoa. Có 7 chuyên đề được thảo luận, trình bày gồm: Rối loạn đông máu và điều trị hạ huyết áp do quá liều; Tim mạch Sơ sinh; Dinh dưỡng – nhiễm khuẩn sơ sinh và nhiễm nấm; Tiêu hóa và sử dụng thuốc – lạm dụng thuốc; Cấp cứu nhi khoa – Cấp cứu tim mạch; Viêm tiểu phế quản, phương pháp tiếp cận xử trí dị tật chân và dinh dưỡng nhi; Giao tiếp gia đình và thầy thuốc.
Hồng Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét