Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Mùa xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 thành công đã tạo nền tảng chính trị - pháp lý cho mọi hoạt động của Quốc hội và sự phát triển của Nhà nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.


Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI. Ảnh tư liệu.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI. Ảnh tư liệu.

Ngày hội lớn của toàn dân

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai Nhà nước với hai Chính phủ. Lúc này vấn đề cấp bách mà Ban chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam đề ra là phải thực hiện thống nhất về mặt nhà nước.

Ðể thực hiện nhiệm vụ này, từ ngày 15 – 21/11/1975, tại Sài Gòn, đại biểu nhân dân hai miền Nam – Bắc đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn bạc, và thống nhất tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội. Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ra trong điều kiện hoà bình. Ngay từ tháng 2/1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổng tuyển cử đã được triển khai rộng rãi trong cả nước. Ðối với các tỉnh, thành miền Nam, do việc bầu cử còn mới mẻ, Ban Tổ chức của Chính phủ đã giúp Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Nam tập huấn nghiệp vụ cho gần 1.000 cán bộ làm công tác bầu cử. Tại các khu vực bầu cử, công tác điều tra dân số, lập danh sách cử tri đã được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi cho cử tri.

Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức vào ngày 25/4/1976. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tâm thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh gọn và đạt kết quả cao. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. Kết quả của Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Nói về ngày tổng tuyển cử đầu tiên sau giải phóng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đánh giá, đây thực sự là một ngày hội lớn của toàn dân, một dấu son quan trọng nhất trong lịch sử Quốc hội Việt Nam sau lần bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946. Ðây cũng là biểu trưng lớn lao cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, là nơi hội tụ những con người ưu tú của tất cả vùng miền trong cả nước.

Cuộc Tổng tuyển cử 1976 thành công đã tạo nền tảng chính trị - pháp lý cho mọi hoạt động của Quốc hội. Ảnh tư liệu.

Thống nhất nước nhà về mọi mặt

Sau thành công của Tổng tuyển cử, ngày 24/6/1976, kỳ họp Quốc hội đầu tiên của Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại thủ đô Hà Nội, với 482 đại biểu về dự, 10 đại biểu vắng mặt. Ðoàn chủ tịch điều hành kỳ họp lúc đó gồm 36 thành viên, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Ðức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng...

Tại diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: Kỳ họp Quốc hội lần này là một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Từ mấy tháng nay, công nhân, nông dân, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân khác trong cả nước đã phát động phong trào thi đua sôi nổi, lấy thành tích chào mừng Quốc hội chung cả nước.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử toàn quốc Trường Chinh lúc đó nhấn mạnh: Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cùng với thắng lợi của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI diễn ra từ ngày 24/6 đến 3/7/1976 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quốc hội đã thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng về mọi mặt, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân và vai trò quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế, đối với xã hội và đời sống nhân dân.

Quốc hội đã ra tuyên bố ghi lại bước đường đấu tranh vẻ vang của dân tộc, xác định những nét lớn về nhiệm vụ chiến lược, về đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới. Quốc hội kêu gọi toàn dân hăng hái tham gia vào các mặt trận lao động, sản xuất, công tác và học tập, vì sự toàn thắng của công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã nhấn mạnh: Thắng lợi của kỳ họp này, chúng ta đã thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi. Anh em bầu bạn trên thế giới vui mừng với chúng ta... Chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, phát huy mọi điều kiện thuận lợi do việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đem lại, để tiến tới hoàn thành thống nhất nước nhà về mọi mặt.

Kể từ sau Quốc hội thống nhất, ông Vũ Mão cho rằng, Quốc hội đã ngày càng phát triển và mở rộng dân chủ, đặc biệt là vấn đề bầu cử số dư về nhân sự. Nếu như trước đây chỉ giới thiệu một người, bầu một người thì vào năm 1988 đã có hai ứng cử viên. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Phạm Hùng mất, để có người thay thế, lúc đó Ðảng đã giới thiệu đồng chí Ðỗ Mười, nhưng khi ra Quốc hội, nhiều đại biểu lại muốn giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt. “Việc chấp nhận hai ứng cử viên cũng là lần đầu tiên, như một dấu mốc mới”, ông Vũ Mão nhìn nhận.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976 - 1981), Quốc hội khoá VI đã họp 7 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các uỷ ban của Quốc hội đã làm việc thường xuyên, liên tục để nghiên cứu, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ðây là một nhiệm kỳ đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tiến lên của cách mạng Việt Nam.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa VI đã bầu:

Chủ tịch nước: Tôn Ðức Thắng

Chủ tịch Quốc hội: Trường Chinh

Thủ tướng Chính phủ: Phạm Văn Ðồng

Chánh án TAND Tối cao: Phạm Văn Bạch

Viện trưởng VKSND Tối cao: Trần Hữu Dực

Cùng với việc xây dựng thành công Hiến pháp 1980, Quốc hội khoá VI đã thảo luận và ban hành được một đạo luật, đó là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyên tắc chung của luật nêu rõ: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Ðây là những nguyên tắc cơ bản thể hiện tính chất thật sự dân chủ của chế độ bầu cử ở nước ta, thể hiện nguyên tắc cơ bản của Nhà nước, đó là: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

SỮA ONG CHÚA TODAY BEE

TODAY BEE

Popular Posts